Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), các cơ sở có hàng bị cảnh báo gồm: Công ty cổ phần Hải sản Nha Trang; Công ty cổ phần Thủy sản Cà Mau, Công ty TNHH MTV Chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu ngô BROS và Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Hai Thanh. Trong đó, 2 lô hàng nhiễm Furazolidone với hàm lượng 0,001 ppm, 2 lô hàng nhiễm Enrofloxacin với hàm lượng 0,01 và 0,02 ppm.
Nhật Bản lo ngại về dư lượng hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nhập từ Việt Nam
Trước tình trạng bị cảnh báo nêu trên, ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Nafiqad yêu cầu các cơ sở điều tra nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo; thiết lập và thực hiện các hành động khắc phục phù hợp, tổ chức tự thẩm tra hiệu quả của các hành động khắc phục đã thực hiện và lập báo cáo giải trình về Nafiqad trước ngày 30/4.
Mặt khác, đối với các Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng, Nafiqad yêu cầu các đơn vị thực hiện chế độ lấy mẫu kiểm nghiêm chỉ tiêu / nhóm chỉ tiêu bị cảnh báo đối với từng lô hàng thủy sản (có sản phẩm bị cảnh báo) sản xuất tại các cơ sở nêu trên xuất khẩu sang Nhật Bản theo quy định.
Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam xuất sang Nhật những lô hàng thủy sản không đảm bảo chất lượng. Trước đó, vào cuối năm 2015, cơ quan thẩm quyền Nhật Bản cũng đã cảnh báo vi phạm quy định an toàn thực phẩm về dư lượng hóa chất, kháng sinh đối với 25 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản.
Đại diện lãnh đạo Nafiqad cũng đã nhận định, tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản hiện đang ở mức đáng báo động. Các mặt hàng bị cảnh cáo chủ yếu là tôm thẻ chân trắng đông lạnh, tôm sú nuôi đông lạnh, cá bò tẩm gia vị...
Chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cảnh báo trong các lô hàng phần lớn là Enrofloxacin, Chloramphenicol, Furazolidone, Oxytetracycline.
Nguyên Phương
theo PetroTimes
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn