Từ chợ đầu mối là nông sản Trung Quốc, nhưng khi về đến chợ bán lẻ, lại trở thành hàng trong nước, người tiêu dùng khó phân biệt được.
Chợ đầu mối Long Biên, chợ Đồng Xuân là hai trong những chợ đầu mối lớn nhất tại Hà Nội. Các loại nông sản chủ đạo như khoai tây, cà rốt, bắp cải, gừng, tỏi, cà chua, chanh tươi… luôn được bày bán làm 2 loại, một bên là hàng Trung Quốc và một bên là hàng trong nước. Tuy nhiên, tại các chợ bán lẻ, mặt hàng nào cũng được giới thiệu là hàng nông sản trong nước.
Hiện tại, không phải là chính vụ khoai tây trong nước, nhưng ở các chợ bán lẻ vẫn bày bán tràn lan khoai tây ta với giá bán chỉ 12.000 - 14.000 đồng/kg.
Cà chua chính vụ trong nước bắt đầu từ vụ Thu Đông cho đến hết Đông Xuân, tuy nhiên trên thị trường, cả 4 mùa đều bày bán cà chua. Theo kinh nghiệm của một người trồng rau ở Hải Dương, loại cà chua trái mùa đang bán trên thị trường hiện nay đa số đều là hàng Trung Quốc, cà chua Trung quốc quả dài, khi nấu chín không nát và thơm như cà chua ta. Giá bán loại cà chua này từ 15.000 -17.000 đồng/kg.
Cùng với cà chua, khoai tây, là các loại gừng, tỏi củ to, vỏ nhẵn bóng, mã đẹp được bày bán tràn lan. Người bán hàng luôn giới thiệu tỏi, gừng này là của Tiền Giang…
Nông sản bán tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội.
Theo chị Nguyễn Thị Mai, tiểu thương bán rau tại chợ Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội), tại chợ đầu mối Long Biên, giá khoai tây dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, cà chua là Đà lạt thì 14.000 đồng/kg, còn cà chua Trung Quốc khoảng 12.000 đồng/kg, cà rốt chỉ có 9.000 đồng/kg, nếu lấy hàng Trung Quốc bán dễ hơn vì giá rẻ, mã đẹp, bán có lãi từ 5.000 - 8.000 đồng/kg.
Chị Ngô Thị Thuận, bán rau tại chợ Mai Lâm (Đông Anh, Hà Nội) tiết lộ, hàng rau, củ quả trong nước chỉ được bán theo mùa, còn những mặt hàng trái mùa, hàng của Đà Lạt thì ít, hàng của Trung Quốc thì nhiều. Người tiêu dùng khó phân biệt được. Ví dụ như cà chua của Đà Lạt và Trung Quốc na ná như nhau, người bán mới biết, cà chua Đà Lạt quả dài, nhưng mập hơn cà chua Trung Quốc, khi nấu lên, cà chua Trung Quốc bao giờ cũng cứng hơn. Do các tiểu thương thường mua mỗi loại một ít, không mua cả thùng nên khi về đến chợ bán lẻ, nguồn gốc của các loại nông sản này đều... mất tích.
Cô Thuần, người dân ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội bức xúc: “Nhiều lần đi mua gừng, tỏi, thấy có gừng củ to, vỏ vàng đẹp, còn tỏi thì củ to, nhánh to, dễ bóc, về sử dụng rất dôi, nên tôi hay chọn mua. Nhưng mới đây mới biết đó là gừng, tỏi của Trung Quốc”.
Cùng với việc “lập lờ” bán hàng không rõ nguồn gốc của các tiểu thương, thói quen tiêu dùng của phần lớn người dân là mua hàng tại chợ dân sinh, chợ cóc cũng đã khiến cho nông sản “nhập nhèm” xuất xứ có đất để sống./.
Theo VOV