Thách thức thị trường Mỹ
Tại Mỹ, tôm Việt Nam chịu sự cạnh tranh mạnh từ Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Ecuado. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam xếp thứ 4 trong năm 2014, tụt xuống thứ 5 trong các tháng đầu năm 2015. Giá tôm Việt Nam cao hơn nước khác 10 - 14% nên ít ưu thế cạnh tranh.
Hiệp định TPP khi có hiệu lực cũng hứa hẹn viễn cảnh sáng sủa cho xuất khẩu tôm Việt Nam. Tuy nhiên, tôm Việt Nam cũng phải đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và những quy định do phía Mỹ đề ra.
Ngày 7/9/2015, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn 1/2/2013 đến 31/1/2014. Theo đó, mức thuế trung bình 0,91%, đã giảm so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố tháng 3/2015 và giảm mạnh so mức thuế 6,37% của kỳ xem xét POR8. Đây là tín hiệu đáng mừng với tôm Việt Nam.
Trước những cơ hội và thách thức đan xen với xuất khẩu tôm sang Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải quan tâm hơn sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, thay vì tôm nguyên liệu đông lạnh. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm, đặc biệt giảm chi phí sản xuất để có giá cạnh tranh.
Hạn chế tại Nhật Bản
Gần 10 năm qua, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm quan trọng nhất của Việt Nam. Nhưng nhu cầu thị trường nước này lại có sự suy yếu khi sản lượng và giá trị nhập khẩu 2012 - 2014 liên tục giảm. Năm 2014, Nhật Bản là thị trường duy nhất trong nhóm nước tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới, giá trị giảm 7,15% xuống mức 2,78 tỷ USD kéo theo khối lượng giảm 14,68%, từ 263.000 tấn xuống 224.000 tấn.
Năm 2015, xuất khẩu tôm giảm ở nhiều thị trường - Ảnh: An Đăng
Tại Nhật Bản, Việt Nam là nước xuất khẩu tôm lớn nhất với 50.800 tấn và 0,69 tỷ USD trong năm 2014 (chiếm 22,65% thị phần). Giá bán tôm Việt Nam tại thị trường này cũng cao nhất và duy trì tốt, thường cao hơn nguồn khác 10 - 14%.
Theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản được ký năm 2008, mặt hàng tôm đông lạnh được miễn thuế khi xuất sang Nhật, đây là lợi thế rất lớn của Việt Nam so với nước khác.
Từ tháng 3/2014, Nhật Bản bắt đầu kiểm tra chỉ tiêu Oxytetracycline(OTC) với 100% lô tôm Việt Nam. Trước đó, kế hoạch kiểm tra giám sát hằng năm thì mặt hàng tôm Việt Nam được nhận diện và chỉ định kiểm soát với 2 chất kháng sinh cấm là Chloramphenicol và Oxytetracycline. Hiện, rào cản kháng sinh và hóa chất cấm là trở ngại lớn nhất của tôm Việt Nam xuất sang Nhật. Do đó, điều kiện quan trọng nhất giúp đẩy mạnh tôm xuất khẩu sang Nhật là cần đảm bảo nghiêm ngặt an toàn vệ sinh và chất lượng sản phẩm, cụ thể là kiểm tra dư lượng Trifluralin.
Tiềm năng EU
EU là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 3 của Việt Nam. Xét về khối lượng, Việt Nam đứng thứ 5 trong các nước nhập tôm vào EU. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU chiếm gần 17% tổng giá trị xuất khẩu tôm cả nước năm 2014, và 19% trong 8 tháng đầu năm 2015.
Đối với dòng sản phẩm tôm “nước ấm”, Việt Nam hiện là nhà cung cấp lớn thứ 3 sau Ấn Độ và Ecuado. Khối lượng tôm Việt Nam vào EU năm 2014 với mức tăng khả quan 31,13% so năm 2013. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết kèm theo thuế xuất khẩu các mặt hàng thủy sản Việt Nam dần trở về 0.
Xuất khẩu tôm sang EU 8 tháng đầu năm 2015 đạt 347 triệu USD, giảm 19% so cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân, kinh tế EU chưa thoát khỏi khủng hoảng và EUR giảm so với USD.
Tuy nhiên, tôm xuất khẩu Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức khi tình trạng bơm Agar khó kiểm soát; bởi, nhiều người mua nhỏ lẻ thực hiện. Chủ yếu là tôm sú bị bơm Agar nhưng vẫn ảnh hưởng tới tình hình tôm xuất khẩu nói chung. Việt Nam cũng cần hạn chế sử dụng kháng sinh cấm để tránh EU ban hành lệnh cấm nhập khẩu.
Trung Quốc - Nhiều rủi ro
Giai đoạn 2010 - 2014, Trung Quốc là thị trường có tốc độ tăng nhập khẩu mạnh nhất tôm Việt Nam, mặc dù đến thời điểm này tốc độ tăng có xu hướng giảm. Năm 2010, Việt Nam chỉ xuất 0,14 tỷ USD, chiếm 6,86% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam; đến năm 2014, tăng lên 0,41 tỷ USD, chiếm 10,47%, Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 4 của tôm nước ta.
Việc mở rộng thị trường là kỳ vọng của mọi ngành sản xuất, tuy nhiên đây không phải tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh nguồn tôm nguyên liệu nước ta chưa ổn định cho những thị trường có nhu cầu và giá nhập khẩu cao như Mỹ, EU, Nhật. Nước ta đã phải nhập tôm nguyên liệu, trong khi xuất sang Trung Quốc chủ yếu là tôm nguyên liệu, chiếm 96,3%, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả kinh doanh.
Mặt khác, Trung Quốc là thị trường lớn, yêu cầu tiêu chuẩn không cao nhưng giao thương chủ yếu qua tiểu ngạch. Nên đây cũng là thị trường rủi ro (về giá, hình thức thanh toán…) cho doanh nghiệp xuất khẩu nước ta.
>> Năm 2016, xuất khẩu tôm Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng tốt với kim ngạch 3,3 tỷ USD, tăng 12% so năm 2015. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở thuận lợi về thuế đối với các thị trường chính EU và Nhật Bản; trong khi, nhiều đối thủ chính như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia không tham gia TPP hay chưa có Hiệp định thương mại tự do với EU. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn