Liên tiếp có hành động khó hiểu khi giao thương tại thị trường Việt Nam, khi thì mua nông sản lạ, lúc lại thao túng, đẩy giá lên cao… thương lái Trung Quốc đang phá hoại thị trường Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sớm ngăn chặn hành vi này để thương nhân Việt Nam và người dân không “mắc bẫy”.
Muôn vàn thủ đoạn
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, gần đây thương lái Trung Quốc có hành vi làm giá, thao túng thị trường. Giá hồ tiêu đang trái quy luật hàng năm, ngay đầu vụ thu hoạch giá đã lên cao bởi thương nhân Trung Quốc thu gom. Trước tình trạng này, người trồng tiêu “găm hàng”, chờ giá lên cao nữa rồi mới bán cho doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, diễn biến thị trường này khá rủi ro, dễ dẫn đến khủng hoảng thừa hồ tiêu.
Một số nhà nhập khẩu cũng chuyển sang nhập từ Indonesia hay Malaysia, khiến Việt Nam mất thị trường xuất khẩu. Những năm gần đây, thương lái Trung Quốc đều sang Việt Nam thu mua nông sản lạ: Tiêu non, cau non, khoai lang, lá cây bình mác… Cách thức chung của các “tay buôn” Trung Quốc là: Tung tin đồn, đẩy giá cao và mua số lượng lớn; mua không cần chú ý đến chất lượng, nhiều khi còn yêu cầu nông dân pha tạp sản phẩm.
Khi một bộ phận thương lái trung gian Việt Nam gom đủ hàng, thương lái Trung Quốc biến mất, để lại đống hàng không biết dùng vào việc gì. Người nông dân từng vui mừng vì thu được “món hời” cũng nhanh chóng nhận ra, “bờ xôi ruộng mật” của họ đã tan hoang, xơ xác vì tận thu. Với cách bán hàng quay vòng, mua cửa trước, bán cửa sau, “từ đầu chợ đến cuối chợ”, thương lái Trung Quốc ung dung thu lợi lớn.
Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết, sau khi nhận được thông tin có thương lái Trung Quốc thu mua tiêu non tại địa phương, Sở Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng khác tăng cường kiểm tra, kiểm soát. “Ngay lập tức, các thương lái Trung Quốc biến mất. Rõ ràng hành vi mua - bán của họ bất thường. Mua bán đàng hoàng, công khai thì làm sao phải bỏ đi như vậy”? - ông Huỳnh Ngọc Dương nói.
Vậy thương lái Trung Quốc thu mua những nông sản lạ này để làm gì? Câu hỏi này lâu nay là sự hoài nghi. Nhưng theo nhận định của các chuyên gia, hành vi của các thương lái Trung Quốc nhằm mục đích vừa kiếm lời vừa phá hoại thị trường Việt Nam. Hậu quả đã thấy rõ, nhưng đáng ngạc nhiên là nhiều năm qua, vẫn có không ít người nông dân và thương nhân trung gian của Việt Nam “mắc bẫy”.
Hơn nữa, một số địa phương vẫn còn mơ hồ về cách làm ăn của thương nhân Trung Quốc nên chỉ cảnh báo người dân khi thấy số lượng hàng gom tăng lên bất thường. Ngược lại, địa phương còn cho rằng việc thu mua không ảnh hưởng gì, thậm chí có lợi cho người dân, khi những nông sản lạ được thu mua là cây hoang dã hoặc thứ ít giá trị.
Phá hoại sản xuất
Có một thực tế là phần lớn thương nhân Việt Nam làm trung gian, đầu mối thu mua thiệt hại trong những vụ mua bán bất thường này nhưng không dám lên tiếng. Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, đại lý thu mua thiệt hại cũng không dám thừa nhận, bởi họ sợ ảnh hưởng đến uy tín. Các đại lý khác vẫn tưởng “làm ăn được”, tiếp tục thu mua và tạo cơ hội cho thương lái Trung Quốc kiếm lời, hoành hành gây nhiễu loạn thị trường Việt Nam, trong khi đó người dân lại nhận “quả đắng” về mình.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho rằng, ngay cả khi thương lái Trung Quốc thu mua cây, con hoang dã, ít giá trị cũng vô cùng nguy hiểm. “Tận thu dị vật hoang dã sẽ gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường. Về góc độ pháp lý, họ không nộp thuế, không đóng góp cho ngân sách Nhà nước” - TS Lê Đăng Doanh phân tích. Chưa kể, thu mua nông sản lạ như: tiêu lép, cam non hay rễ cây hồi… không đơn thuần là gây nhiễu loạn thị trường, mà sâu xa hơn là phá hoại cả nền sản xuất, vì cây mất rễ làm sao sống và cho thu hoạch!
“Tôi nghi ngờ động cơ thương mại của thương lái Trung Quốc. Họ làm ăn không đàng hoàng. Nhiều người trong số đó sang Việt Nam theo Visa du lịch, nhưng lại thực hiện hành vi buôn bán. Pháp luật còn kẽ hở nên họ lợi dụng” - TS Lê Đăng Doanh nhận định. Để ngăn chặn hành vi này, ông Lê Đăng Doanh cho rằng, các bộ, ngành liên quan cần có biện pháp quản lý khách du lịch hiệu quả hơn, kiểm soát nguồn tiền của người nước ngoài vào Việt Nam để tìm hiểu động cơ. “Cần nghiêm cấm khách du lịch vào Việt Nam để buôn bán” - ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, để hạn chế thiệt hại do hành vi mua bán bất thường của thương nhân Trung Quốc, các địa phương, bộ, ngành liên quan cũng cần tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, các kỹ năng cho người dân địa phương để họ tự biết cách đề phòng. Đặc biệt, khi phát hiện hành vi bất thường cần phải báo cơ quan chức năng, địa phương để tư vấn, xử lý
kịp thời.
Hà Linh (ANTD)