Ngày 20/11, tại hội thảo quốc tế Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), TS Morihiko Hiramatsu, Chủ tịch danh dự,  Ủy ban Trao đổi OVOP Quốc tế, “cha đẻ” của phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” trên thế giới, cho rằng, sản phẩm nông dân làm ra không hề thua kém giá trị của những sản phẩm công nghiệp đẳng cấp quốc tế.
Ông Hiramatsu giới thiệu về một loại nấm do nông dân Nhật Bản trồng, với giá khoảng 4 triệu đồng/kg. Ông đưa hình ảnh so sánh khá thú vị: Nếu thương hiệu đẳng cấp của công nghiệp xe hơi Nhật là chiếc xe Lexus nặng khoảng 2 tấn, giá hơn 2 tỷ đồng, tính ra chỉ 1 triệu đồng/kg. “Điều này cho thấy, sản phẩm nông dân làm ra không hề thua kém giá trị của những sản phẩm công nghiệp đẳng cấp quốc tế. Và tôi tin nông dân Việt Nam cũng có thể làm được như nông dân Nhật”- ông nói.
Theo vị “cha đẻ” của phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (bắt nguồn từ tỉnh Oita của Nhật), động lực để nông dân tham gia chính là giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm giúp họ tăng thu nhập.
Ông nói rằng, có thời điểm, ở Nhật không có cửa hàng, siêu thị nào bán các sản phẩm từ các cơ sở không chuyên cả, bởi lo chất lượng không đảm bảo, vì làm bằng tay. Tuy nhiên, nông dân Nhật đã sử dụng kỹ thuật truyền thống trong chế biến thực phẩm như: sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm như lên men, ủ chua, luộc, sấy khô, ép, chiên, hun khói... “Nhờ phương pháp này, người ta có thể tin tưởng được sự an toàn, sản phẩm được nông dân chế biến bằng nguyên liệu tươi ngon, và từ đó các sản phẩm OVOP có đến được người tiêu dùng”, chuyên gia Nhật nói.
Ông Hiramatsu cũng cho rằng, nếu sản phẩm tốt sẽ không lo thị trường tiêu thụ: “Điều đặc biệt là ở các điểm bán hàng, cửa hàng lưu động, nông dân được quyền định giá sản phẩm chứ, không phải do thị trường”.
Về triển khai chương trình OCOP ở Việt Nam, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới T.Ư (Bộ NN&PTNT), cho biết, học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế, nhất là từ Nhật Bản, Thái Lan và kết quả triển khai tại Quảng Ninh, hiện cả nước đã có 18 tỉnh phê duyệt đề án cấp tỉnh, 16 tỉnh phê duyệt đề cương, các tỉnh còn lại đang hoàn thiện dự thảo cuối cùng để phê duyệt.
Dự kiến, hết năm nay, 63 tỉnh thành sẽ phê duyệt đề án cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá phân loại, xếp hạng “sao” cho hơn 4.800 sản phẩm OCOP, trong tháng 12 tới sẽ lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và dự kiến áp dụng từ năm 2019.
Theo ông Tiến, việc gắn sao sẽ từ 1 đến 5 sao, trong đó 3 sao trở xuống là cấp tỉnh, 4-5 sao là do T.Ư cấp. “Sản phẩm 4-5 sao, là có thể đưa lên kệ hàng và quốc tế. Tuy nhiên, để vươn tới 4-5 sao, ngay cả như tỉnh tiềm lực Quảng Ninh triển khai mô hình OCOP đã bốn năm nay, nhưng hiện cũng chỉ có 5 sản phẩm được xếp hạng 5 sao. Do vậy, khi chuẩn hóa, xếp hạng, cả nước có tầm 30-40 sản phẩm cũng quý lắm rồi”, ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, để triển khai chương trình OCOP, Ban chỉ đạo T.Ư sẽ lựa chọn 10 tỉnh (mỗi tỉnh chọn 1 huyện) thí điểm để đánh giá, nhân rộng. “Rút kinh nghiệm từ triển khai xây dựng nông thôn mới 8 năm nay, chúng tôi tin, cả phía T.Ư và địa phương đều có thể làm tốt thí điểm và diện rộng, từ đó điều chỉnh chính sách, tổ chức triển khai bài bản nhất”, ông Tiến nói.
Nguồn: tienphong.vn