Những vựa cam tại ĐBSCL đang mùa thu hoạch. Nhưng nhiều người dân vẫn chờ bởi giá cam rớt sâu. Ảnh: BT
Phó Thủ tướng cho rằng, cần tháo gỡ khâu yếu nhất (cung - cầu) trong chuỗi giá trị nông sản Việt. Theo Bộ NNPTNT, từ đầu năm 2018 đến nay, xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam đạt trên 29,64 tỉ USD, nhưng chủ yếu là xuất khẩu thô, chưa phát huy hết lợi thế, tiềm năng, chưa đạt tiêu chí “số lượng ít nhưng giá trị lớn”.
Năng suất “khủng” nhưng chỉ đóng góp 15% vào GDP
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, đóng góp của mặt hàng nông sản vào giá trị XK của cả nước liên tục tăng và tạo được những đột phá ấn tượng, đặc biệt là lần đầu tiên giá trị XK rau quả ở Việt Nam vượt dầu thô… Những ưu điểm vượt trội của nông sản Việt Nam chúng ta đã rõ, nhưng còn “góc khuất” cần được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, công tâm để tìm giải pháp xử lý.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, có 5 vấn đề hạn chế cần được thẳng thắn suy xét lại: Thứ nhất, tăng trưởng giá trị XK phụ thuộc vào sản phẩm thô với giá trị thấp.
Thứ hai, XK nông, lâm, thủy sản (NLTS) còn phụ thuộc vào một số thị trường lớn.
Thứ ba, các sản phẩm NLTS XK sang các thị trường có giá trị gia tăng cao còn ít.
Thứ tư, nông sản XK của Việt Nam chưa đảm bảo về vệ sinh ATTP và các yêu cầu kỹ thuật do các thị trường nhập khẩu (NK) quy định.
Thứ năm, XK nông sản Việt Nam đang gặp khó khăn do sự gia tăng chính sách bảo hộ thương mại của các nước NK.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Hiện nay, Việt Nam đã có 10 mặt hàng nông sản XK đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, trong đó có 5 mặt hàng có giá trị trên 2 tỉ USD. Nếu làm tốt, XK trái cây có thể đạt xấp xỉ 4 tỉ USD trong năm nay...
Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin rất tích cực, “cần phải lý giải tại sao năng suất tự nhiên của chúng ta không thấp, thậm chí có những loại cao nhất thế giới, ví như lúa 8 tấn/ha, tôi đã đi xem những mô hình càphê tái canh 8 tấn/ha, càphê trồng mấy chục năm nay rồi canh tác tự nhiên cũng lên tới 3,5 tấn/ha.
Cá tra mấy trăm tấn/ha có lẽ là “cá nhiều hơn nước”; rồi nuôi tôm siêu thâm canh của Tập đoàn Việt - Australia ở Bạc Liêu mấy trăm tấn/ha/năm. Vậy tại sao năng suất lao động của chúng ta lại thấp? Tại sao 38% lao động nông nghiệp, 60% cư dân nông thôn mà đến thời điểm này chỉ đóng góp vào GDP có 15% thôi?”- Phó Thủ tướng nêu câu hỏi và thẳng thắn nhận định: Vấn đề cần nhìn nhận là kết nối sản xuất - chế biến-tiêu thụ.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã phát biểu trước Quốc hội: Chúng ta có 3 toa: Toa sản xuất, toa chế biến và toa tiếp thị thì phía sản xuất chúng ta làm tương đối tốt, nhưng 2 toa sau là đang yếu. Trong khi đó 3 khâu này liên quan chặt chẽ với nhau, sản xuất tốt, sản xuất đúng quy hoạch, có đường hướng theo tín hiệu thị trường.
Nhưng bây giờ sản phẩm của chúng ta chủ yếu là XK thô, chế biến sâu là rất ít. Chúng ta vẫn còn tình trạng sản xuất tự do thành thói quen, không theo sát thị trường tiêu thụ. Điều này dẫn đến những dư thừa cục bộ...
Không để nông dân tiếp tục phải “đơn thương độc mã”
Theo ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT - có đến 80% - 90% sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam XK chủ yếu dưới dạng thô sang thị trường các nước, hoặc xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, nên giá trị thu về không cao, thậm chí bị ép giá bởi khi xuất các loại rau, củ quả tươi không qua khâu xử lý sau thu hoạch thời gian bảo quản ngắn, số lượng, chất lượng cũng như giá trị dinh dưỡng dễ thất thoát vì không được đầu tư đúng cách.
Tại một hội thảo gần đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Trung Quốc - ASEAN cũng khẳng định điểm yếu của nông sản Việt còn nằm ở ý thức thương hiệu và quảng bá cho thương hiệu. Vì vậy, nông sản vẫn chưa gây được ấn tượng.
Chính vì vậy, khó “ghi điểm” so với nông sản của các quốc gia khác được đầu tư công phu về hình ảnh, chất lượng, thương hiệu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặc biệt lưu ý, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu manh mún quy mô nhỏ, tình trạng nông sản nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu xuất hiện khá phổ biến. Nguyên nhân là do không có liên kết với thị trường.
“Quan trọng là một người nông dân đơn thương độc mã theo hộ kinh doanh cá thể thì làm sao mà giải quyết được mất tương xứng của thị trường đầu vào đầu ra? Cho nên, cần vai trò của các kinh tế hợp tác, của HTX kiểu mới và các mô hình hợp tác, thì chúng ta mới nâng giá trị, vị thế của người nông dân trong đàm phán…
Thị trường ở đây không chỉ là thị trường trong nước, mà còn là “chợ thế giới, chợ toàn cầu”. Thị trường - chợ ở đây không chỉ có hơn 90 triệu dân Việt Nam mà còn cho 7 tỉ người trên thế giới” - Phó Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh, chúng ta đang tính toán để xây dựng những sàn giao dịch về nông sản, phát triển những thị trường giá cả tương lai để khắc phục bớt rủi ro cho người nông dân, để phân chia rủi ro và phân phối lợi ích đồng đều hơn giữa người sản xuất, người tiêu thụ và các trung gian của người phân phối…
Muốn giảm bớt rủi ro cho người nông dân và đẩy mạnh giá trị nông sản, cần đẩy mạnh chế biến sâu, hạn chế xuất khẩu tươi sống bởi thị trường Trung Quốc hiện nay cũng đã nâng cao hàng rào kỹ thuật đối với nông sản NK từ các nước, trong đó có Việt Nam.
Tại hội thảo “Đi tìm ưu thế cạnh tranh của nông sản Việt để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu” chiều 22.9 mới đây, ông Phạm Minh Quang - Phó Giám đốc dự án Mekong Business Initiative (MBI) - chuyên hỗ trợ các hoạt động nông nghiệp, cho rằng: Cách thức làm nông nghiệp của Việt Nam hiện còn quá truyền thống theo hình thức sản xuất hàng loạt. Nông dân Việt vẫn còn quá chú trọng số lượng mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng nông sản làm ra. Trong khi đó, nhu cầu của người dùng ngày càng cao, họ đòi hỏi chất lượng nông sản, những loại thực phẩm trên bàn ăn hằng ngày phải chất lượng hơn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn