Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thành Thực, một thương nhân buôn bán nông sản với Trung Quốc tại, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018 về nông nghiệp.
Thay đổi tư duy sản xuất, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Ảnh minh họa |
Bà Thực cho biết, sau 20 năm làm ăn với Trung Quốc, bà nhận thấy, thương lái Việt chủ động xuất nông sản sang Trung Quốc rất hiếm mà chủ yếu là gom hàng, ngồi nhà chờ bán cho đối tác. Cách làm này dù kiếm được tiền nhưng khiến thương lái Việt luôn bị ép giá, bán giá không cao.
Bà Thực cho rằng, điểm yếu trong cách làm thương mại của thương lái Việt là chủ quan, tưởng sản phẩm của mình ngon, đẹp thì người ta sẽ tới tận nhà để mua.
"Nông sản Việt tự ví mình như cô gái quê danh giá chỉ chờ khách đến nhà tán tỉnh, mua đi", bà Thực ví von.
Bà Thực cho biết, Trung Quốc có thị trường chế biến nông sản rất mạnh, xét trong chuỗi sản xuất, cung ứng và chế biến, Việt Nam thua Trung Quốc cả 20 năm.
Vì thế, nếu chế biến, xuất khẩu được vào thị trường này sẽ là lợi thế lớn. Tuy nhiên, hiện nay, người Trung Quốc đã sẵn sàng mua, chế biến ngay tại Việt Nam rồi xuất đi thế giới.
Lối đi nào?
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn được xem là thị trường tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo thống kê, năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đạt khoảng 3 tỉ USD (tăng 22% so với năm 2016). Trong số này, riêng các mặt hàng nông sản chiếm tới 2,4 tỉ USD (chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng tới 120% so với năm 2016.
Thế nhưng ngoài những mặt hàng truyền thống, họ còn mua những thứ rất "oái ăm" như lợn mỡ, đỉa, ốc bươu vàng, vịt đẻ… với giá rất cao và trong thời gian ngắn nên gây rối loạn thị trường.
Đối với các mặt hàng truyền thống, thương lái Trung Quốc cũng thực hiện đủ chiêu trò làm giá, đẩy giá lên rồi không mua nữa khiến nông dân khóc dở, mếu dở.
Theo các chuyên gia kinh tế, những năm qua nông sản Việt dù xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thu về không cao, giá bán thấp, người nông dân vẫn thua thiệt.
Một trong nhiều nguyên nhân được nhắc đi, nhắc lại đó là sản phẩm chủ yếu xuất thô, chưa qua chế biến, giá trị không lớn.
Theo các nhà phân tích, thực trạng một số mặt hàng nông sản Việt bị trả về, bị khiếu nại ngoài nguyên nhân do nông sản Việt Nam yếu kém về chất lượng, thì còn có thể do ngành nông nghiệp, nông dân và các nhà xuất khẩu Việt Nam không nắm vững hệ thống rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu để có thể thương thuyết, chọn lựa được cách thức canh tác, chủng loại - liều lượng phân thuốc, kỹ thuật bảo quản và chế biến phù hợp.
Đặc biệt là các tiêu chuẩn quy định nồng độ dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật có trong thực phẩm và thức ăn động vật sau khi sử dụng thuốc trừ sâu quá lớn.
Nếu cách thức làm như trước đây vẫn không thay đổi, cửa vào thị trường Trung Quốc cho nông sản Việt Nam sẽ ngày càng thu hẹp do phía Trung Quốc cũng sẽ tăng cường việc áp dụng các quy định để từng bước đưa hoạt động xuất nhập khẩu nông sản từ Việt Nam đi vào chính ngạch, có kiểm soát.
Theo baodatviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn