10:29 EST Thứ bảy, 16/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhà nông cần biết » Thị trường


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Nông sản nội thua trên "sân nhà": Chịu thua hay quyết đấu?

Thứ ba - 16/10/2012 20:20
Muốn "thắng" được nông sản ngoại, nông dân, doanh nghiệp Việt không thể hy vọng làm được trong một sớm một chiều, càng khó thành công với kiểu sản xuất - kinh doanh "đơn thương độc mã".

Người bán, mua "hồn nhiên" lựa chọn hoa quả Trung Quốc.

Bài 1: Đâu là nguyên nhân

Chung quy vì một chữ... tiền!

Anh Nguyễn Ngọc Đức, một "đầu nậu" hoa quả tầm cỡ tại chợ đầu mối nông sản Phùng Khoang (Hà Nội) khẳng định với tôi như vậy khi được hỏi về nguyên nhân vì sao nông sản Trung Quốc (TQ) tràn lan nội địa và "đánh bật" sản phẩm của ta.

"Sản xuất là việc của nông dân, còn phân phối đến tay người tiêu dùng đương nhiên cần đầu nậu, thương lái. Nông dân của ta bán 5.000 đồng/kg rau, củ nào đó, ngay lập tức hôm sau chúng tôi có thể mua được thứ cùng loại với giá rẻ hơn, chủ yếu được đưa về từ các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Làm ăn thì yếu tố đầu tiên là lợi nhuận, chỗ nào rẻ hơn thì "đánh" hàng về. Đó là chuyện đương nhiên, và cũng không trách được thương lái, bởi họ phải chi phí cho nhiều khâu mới đảm bảo lợi nhuận", anh Đức cho biết.

Theo lời anh Đức, mỗi ngày anh "đánh" khoảng 6 tấn hoa quả các loại từ chợ đầu mối Long Biên về đổ lại cho hàng chục thương lái tại chợ đầu mối Phùng Khoang. Trong đó, nhiều nhất là cam, lựu, xoài, nho. So với các loại quả cùng loại trong nước, hàng TQ giá rẻ hơn 1/3, thậm chí chỉ bằng một nửa, cá biệt có loại giá chỉ bằng 1/5 như cam, nho. "Thời điểm này, có hôm tôi lấy cam TQ giá chỉ 3.500 đồng/kg. Loại cam này không hút khách trong chợ dân sinh ở các quận nội thành nhưng đặc biệt dễ bán ở các chợ vùng ven như Hà Đông, Từ Liêm,… vì nơi đây tập trung nhiều sinh viên, người lao động thu nhập thấp", anh Đức nói.

Thử làm một phép so sánh, hiện giá cam sành Sài Gòn có giá khoảng 40.000 đồng/kg, trong khi thứ cam được quảng cáo là "cam Hưng Yên" hoặc "cam Hà Giang" chỉ được bán với giá 7.000 đồng/kg. Thậm chí, nếu mua với số lượng lớn hoặc khéo mặc cả, giá chỉ còn 5.000 đồng/kg. Không ít người tiêu dùng biết đây là cam nhập từ TQ, vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn bị bỏ ngỏ, nhưng vì giá rẻ nên thứ hoa quả này vẫn hút hàng.

Không chỉ các đầu nậu, thương lái tầm cỡ chọn "đánh" hàng TQ vì giá rẻ mà nhiều tiểu thương tại các chợ dân sinh cũng ham loại hàng này. Chị Phạm Thị Nhàn, một tiểu thương bán hoa quả tại chợ Hà Đông (Hà Nội) cho biết: "Thứ nhất, mình không có lựa chọn vì đầu nậu cung ứng hàng gì, mình lấy hàng đó, tiện hơn là tự lên chợ đầu mối để lấy hàng. Thứ hai, cùng một loại hoa quả, giá rẻ hơn vài nghìn đồng/kg đã hút khách rồi, huống chi có loại hàng của TQ giá chỉ bằng phân nửa hàng trong nước sản xuất. Ví dụ với táo, nếu là táo Mỹ nhập khẩu "xịn", có dán tem đảm bảo, giá bán lên đến 200.000 đồng/kg, trong khi đó, táo TQ mẫu mã đẹp, quả to, giá chưa đến 30.000 đồng/kg. Như vậy 1kg táo Trung Quốc giá tương đương 1 quả táo Mỹ. Hay như nho, nho trong nước mẫu mã xấu hơn hàng TQ, nhưng giá bán cao hơn gấp rưỡi. Thú thực, chúng tôi buôn bán cũng nghĩ đến lợi nhuận, cái nào bán được nhiều hàng hơn, khách chuộng hơn thì lấy về".

Như vậy, khi nguồn cung được chi phối bởi yếu tố lợi nhuận thì sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng sẽ trở thành mục tiêu thứ yếu. Điều này lý giải vì sao các loại rau quả TQ lại phong phú và tràn vào đến từng ngõ ngách, con hẻm…

Không thể phản ứng nửa vời

Trong khi đối tượng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phân phối hàng hóa "đồng lõa" tiếp tay cho hàng TQ vì mục tiêu lợi nhuận thì "cuộc chiến" của cơ quan chức năng càng khó khăn hơn bao giờ hết. Trên thực tế, chúng ta chỉ có thể tiến hành kiểm nghiệm các loại rau, củ, quả nhập theo đường chính ngạch, có giám sát và giấy tờ xuất, nhập rõ ràng. Trong khi đó, thương lái nước bạn và "đồng nghiệp" phía ta lại có thừa mánh khóe và những cách "lách luật" để một lượng lớn nông sản TQ ngang nhiên tràn vào nội địa mà không cần phải qua bất kỳ khâu kiểm tra, kiểm soát nào.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, sau khi phát hiện nhiều loại hoa quả TQ như nho, táo, lê,… có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao quá mức cho phép được bày bán tràn lan tại Việt Nam, Cục đã nâng tần suất giám sát các lô hàng hoa quả nhập khẩu từ thị trường này và liên tục phát hiện các mẫu hoa quả nhiễm chất độc. Sau khi phát hiện các mẫu trái cây nhiễm độc, Cục chỉ đạo các đơn vị xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; đồng thời tăng cường kiểm tra, tăng tần suất lấy mẫu kiểm nghiệm. Cá biệt, với nho nhập từ TQ, Cục không lấy hàng kiểm tra ngẫu nhiên mà nâng tần suất lên 100%. Nghĩa là, tất cả lượng nho TQ nhập vào nước ta đều phải qua khâu kiểm tra chất lượng. Đáng tiếc là nỗ lực này chỉ "cai quản" được lượng hàng nhập qua cửa khẩu chính ngạch, còn số hàng đi theo đường tiểu ngạch, cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi!

Một trong những động thái kiên quyết của Cục Bảo vệ thực vật khiến người tiêu dùng thấy phấn khởi và an tâm là, Cục sẽ không cho nhập hàng "độc" nếu vi phạm 3 lần. Theo Cục Bảo vệ thực vật, bình thường, các lô hàng nông sản khi nhập từ TQ vào Việt Nam sẽ được các trạm kiểm dịch kiểm tra 10% tổng lô hàng, những mặt hàng bị phát hiện có dư lượng thì lần thứ hai phải kiểm tra 30%, nếu tiếp tục vi phạm sẽ kiểm tra 100%. Sau 3 lần kiểm tra mà vẫn phát hiện trái cây, nông sản có độc thì bắt buộc phải đình chỉ cho tới khi chứng minh được hàng nhập khẩu là sạch. Tuy nhiên, trên thực tế không ai dám đảm bảo tính an toàn cho các loại củ, quả nếu các lần kiểm tra không tiến hành trên 100%, vì con số 10% hoặc 30% đôi khi chỉ mang tính… hú họa!

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đoàn Phương, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, chính người tiêu dùng trong nước mới là một trong những nhân tố quan trọng để đẩy lùi sự tràn lan của rau quả TQ trên thị trường nội địa. Theo ông Phương, bất cứ loại rau quả nào, dù giá rẻ đến đâu, nếu không được người tiêu dùng chào đón, đương nhiên không còn đất sống. Điều chúng ta cần làm bây giờ không chỉ là truyền thông, hô hào khẩu hiệu như lâu nay mà phải có giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Ví như, chúng ta làm cách nào để người dân thấy tác hại của sự thâm nhập âm thầm từ các loại độc tố có trong rau, củ, quả TQ với sức khỏe con người; những vụ ngộ độc nguy hại đến cả tính mạng vì rau, củ ngoại không đảm bảo chất lượng.

Song song đó, nên có các chương trình liên kết doanh nghiệp nội với nông dân để bà con đỡ vất vả khi phải trải qua những vụ mùa cay đắng. Chúng ta cũng phải kêu gọi sự cảm thông và tình yêu nước trong cộng đồng thông qua việc tiêu thụ và tìm đến nông sản nội.

"Các nỗ lực này nên được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, điểm nhấn và phải được làm một cách bài bản, lâu dài mới mong thành công. Thời điểm này, lượng nông sản TQ án ngữ chợ dân sinh đã rất đáng kể rồi. Đánh bật được nó không phải chỉ ngày một ngày hai. Nhưng nếu chúng ta có quyết tâm, làm triệt để, nhất định tình hình sẽ được cải thiện. Tôi cũng xin nói luôn là, nếu chỉ làm nửa vời, đừng bao giờ mong thay đổi tình thế!", ông Phương nhấn mạnh.
 

Nên dán nhãn trái cây an toàn

TS. Võ Mai, Phó chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, rất khó xác định trái cây, rau củ TQ được xử lý bằng những hóa chất gì. Chất bảo quản như thuốc bảo vệ thực vật, nếu phân tích rất tốn kém. Việt Nam chỉ có thể kiểm tra nhanh một số chất phổ biến.

Trong khi đó, trái cây Việt khá phong phú, có nhiều loại được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, xuất khẩu sang nhiều nước nhưng tại thị trường nội địa lại bị lép vế trước hàng ngoại.

Để lấy lại vị thế của trái cây, nông sản nội ngay tại thị trường trong nước không phải là chuyện ngày một, ngày hai mà cần có thời gian. Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và PTNT có thể triển khai dán nhãn trái cây an toàn để giúp người dân an tâm khi lực chọn sản phẩm.



Quỳnh Chi

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 362


Hôm nayHôm nay : 45665

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 659616

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 70886931