Bởi mỗi ngày chưa được thông quan sẽ kéo theo nhiều chi phí khác phát sinh: Chi phí kho lạnh, chi phí thuê xe, chất lượng nông sản giảm dần sẽ bị ép giá…
Tình trạng ùn ứ nông sản không phải là việc mới nhưng việc xử lý vẫn ít nhiều bộc lộ những yếu tố bị động, bài học rút ra ở đây là gì để không lặp lại kịch bản đáng lo ngại này?
10 phút thông quan 1 xe
Từ ngày 15/10 tới nay, xe chở nông sản, chủ yếu là thanh long, từ các tỉnh phía Nam ra cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) ùn ứ cục bộ khiến cho giao thông khu vực cửa khẩu và dọc tuyến đường khu phi thuế quan kéo dài khoảng 5km bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ùn ứ này là do phía Trung Quốc thực hiện quy trình kiểm soát đối với phương tiện vận tải và hàng hóa nhập khẩu kể từ ngày 12/10. Theo đó, tất cả phương tiện nhập cảnh vào Trung Quốc đều được các lực lượng chức năng phía Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ, kiểm tra thủ công từng cabin, container hàng, dẫn tới kéo dài thời gian thông quan.
Cụ thể, nếu như trước kia khi làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của ta chỉ cần khai báo và sẽ sớm được thông quan trong vòng 2 phút/ xe hàng, nhưng nay, do phía Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chặt đối với phương tiện và hàng hóa trên xe hàng nên mỗi xe hàng khi làm thủ tục, kiểm tra và thông quan lên tới 10 phút/ xe hàng. Điều này dẫn tới lượng xe ùn ứ tại cửa khẩu ngày một lớn.
Theo Chi cục Hải quan Tân Thanh, trước đây, mỗi ngày đơn vị làm thủ tục thông quan cho khoảng 350 xe hàng với thời gian thông quan khoảng 30 giây/xe, nhưng kể từ ngày 15/10 tới nay, mỗi ngày đơn vị chỉ làm thủ tục thông quan cho khoảng 180-200 xe hàng với thời gian dài hơn trước nhiều lần, trung bình từ 3-5 phút, có thời điểm lên kéo dài tới 10 phút mới thông quan được một xe.
Sự thay đổi này của Trung Quốc đã kéo dài thời gian thông quan dẫn tới hàng hóa thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh bị chậm, trong khi đó, các xe nông sản vẫn tiếp tục ùn ùn dồn về cửa khẩu, nhất là mặt hàng thanh long, bởi tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tây Ninh, thanh long đang vào thời điểm chín rộ.
Trước tình hình này, Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, đã làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc. Sau cuộc làm việc, lượng hàng hóa được thông quan đã có những chuyển biến, song tiến độ vẫn rất chậm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Tôn Văn Hà, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn), cho biết, trong ngày 19/10, đơn vị mới làm thủ tục xuất khẩu cho 185 xe hàng với thời gian thông quan nhanh hơn, trung bình khoảng 3-5 phút/xe. “Đơn vị cũng bố trí cán bộ túc trực làm thủ tục và thông quan hàng hóa, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp”, ông Hà cho biết.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cũng đã có buổi kiểm tra thực tế và làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn cuối tuần qua.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, đã thành lập đoàn công tác tiến hành trao đổi, làm việc với các lực lượng chức năng phía Trung Quốc, đề nghị đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, giám sát hàng hóa; không thực hiện kiểm tra, giám sát tại cổng cửa khẩu mà chỉ thực hiện khi xe hàng đã vào bãi tập kết, đồng thời kéo dài thời gian làm thủ tục thông quan tới 21 giờ (giờ Hà Nội).
Không tự thay đổi, hết đợt ùn ứ này sẽ đến đợt khác
Việc kiểm soát chặt chẽ hơn hàng nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến đồ ăn, đồ uống là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia, không riêng gì Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường từng phát biểu rằng, việc nâng cao chất lượng tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc là “đòi hỏi đúng”. Bởi ai cũng có nhu cầu đòi hỏi những sản phẩm tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh.
“Không còn cách nào là chúng ta phải thích nghi. Nếu không nhận dạng được những thay đổi từ thị trường Trung Quốc thì hiệu quả xuất khẩu sẽ thấp”, ông Cường nhấn mạnh.
Trong vụ việc ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh vừa qua, doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu, dù đã được thông báo từ trước, nhưng vẫn thiếu sự chuẩn bị dẫn đến nhiều lô hàng bị kiểm hóa lâu hơn. Việc chưa sát với diễn tiến thị trường là nguyên nhân chính khiến nhiều container hàng bị ùn ứ.
Phó giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn Nguyễn Quốc Hải cho biết, việc Trung Quốc siết các quy định quản lý về nhập khẩu không phải là chuyện mới. Mọi thông báo về chính sách đã được đưa ra trước đó, các bộ, ngành, cơ quan quản lý đã có cảnh báo về việc này nhiều lần. Nhưng các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu không cập nhật chính sách đầy đủ.
Là người trực tiếp tư vấn chính sách cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết, vừa qua, xuất hiện những thông tin như Trung Quốc cấm biên, nay xuất khẩu được mai lại không xuất được, hay nay yêu cầu đi cửa khẩu/lối mở này, mai lại yêu cầu đi lối khác; thủ tục yêu cầu giấy tờ liên tục thay đổi; thuế phí thay đổi thất thường…
Theo bà Oanh, thực tế những thông tin này không đúng sự thật. “Sự thật là tư duy ỷ lại theo thói quen thương mại biên giới tiểu ngạch”, bà Oanh nói khi đề cập đến nguyên nhân khó khăn trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc vừa qua.
Bà Oanh giải thích rõ hơn, chính sách Trung Quốc nhất quán từ Trung ương đến địa phương; các chính sách, quy định nhập khẩu nông sản ban hành năm 2015 và năm 2018. “Lâu nay chưa thực hiện nghiêm và “linh hoạt” cho nhập khẩu tiểu ngạch vì lợi ích địa phương, tạo điều kiện cho đời sống cư dân biên giới”, bà Oanh cho biết, nhưng hiện nay mọi thứ đã khác.
“Đã đến lúc doanh nghiệp thay đổi tư duy, bỏ tâm lý coi Trung Quốc là thị trường dễ tính, chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch những mặt hàng trái cây có thế mạnh, nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm”, bà Oanh nêu giải pháp.
Bà Oanh nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp không nắm chắc và tuân thủ quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc; các ưu đãi thuế quan, hạn ngạch thuế quan và quy định C/O form E… thì sẽ tự làm khó mình trong việc làm ăn với nước này.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh tới vai trò của các địa phương vùng trồng trong vấn đề này. Theo đó, ông Hải cho biết, sẽ có kiến nghị nhằm đôn đốc UBND tỉnh các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp, tránh những thiệt hại không đáng có cho nông dân, doanh nghiệp...