Ảnh minh họa |
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết vào 30/6/2019, dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2020 được dự báo là cơ hội “vàng” cho các mặt hàng nông, thuỷ sản Việt khi xuất khẩu vào thị trường này.
Theo Bộ Công Thương, EU đang là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, chỉ số tiêu dùng thủy sản tại thị trường EU tăng cao hơn hẳn so với thịt, do người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang ăn thủy sản nhiều hơn trong bữa ăn hằng ngày.
Với EVFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia; thu hút đầu tư nước ngoài, hiện đại hóa công nghệ chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm.
EU cũng cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả khi Hiệp định có hiệu lực. Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%.
Như vậy, mức cam kết này của EU sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có cùng ngành hàng về rau quả chưa có FTA.
EU luôn được nhìn nhận là thị trường xuất khẩu lớn với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao, nghiêm ngặt về tiêu chuẩn vệ sinh kiểm dịch động thực vật với nông sản, thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, như phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn được quy định trong Luật Thực phẩm, Luật Thú y, quy định bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, quy định về chất độc hại, dư lượng kháng sinh, dư lượng thuốc trừ sâu…
Ngoài ra, thị trường này cũng quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố liên quan như mức độ thân thiện môi trường của sản phẩm, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Trong khi đó, quá trình sản xuất, đặc biệt là bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông sản nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng của Việt Nam còn nhiều bất cập. Hệ thống sản xuất vẫn tương đối manh mún, khó kiểm soát, chưa đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra.
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm không nên dùng thuật ngữ “rào cản kỹ thuật” với nghĩa tiêu cực, vì thực tế là đây chính là những tiêu chuẩn kỹ thuật, những “luật chơi” rất công bằng mà các doanh nghiệp Việt Nam hay bất kỳ ở quốc gia nào muốn gia nhập “sân chơi” chung cần phải đáp ứng.
Theo ông Lê Kỳ Anh, chuyên gia Phái đoàn Liên minh châu Âu, trong lĩnh vực nông sản, những tiêu chuẩn kỹ thuật thực ra lại là những cơ hội cho Việt Nam. Trong chương các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn thực vật và kiểm dịch động vật (SPS) có nội dung coi EU là thực thể đơn nhất, các yêu cầu về nhập khẩu hàng vào một nước từ một sản phẩm tương tự sẽ không được áp dụng khác đi.
“Như khi Việt Nam cho phép một trái táo Pháp nhập khẩu vào thì trong tương lai một trái táo tương tự từ Ba Lan không phải lặp lại yêu cầu kỹ thuật, do đã được chứng minh tại mặt hàng xuất khẩu đầu tiên. Quy định này đã được áp dụng ở Việt Nam và trong tương lai sẽ được áp dụng cho hàng hoá Việt vào châu Âu”, ông Kỳ Anh nêu ví dụ.
Các biện pháp hạn chế được áp dụng khi bệnh dịch xảy ra cũng sẽ có sự thay đổi đáng kể. Hiện cứ xảy ra bệnh dịch, lệnh cấm sẽ được áp dụng với toàn quốc gia, gây ảnh hưởng rất lớn đến mặt hàng xuất khẩu hai phía. Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực, biện pháp này chỉ được áp dụng với vùng bị dịch.
Quy hoạch vùng nguyên liệu là yêu cầu bức thiết
Cùng góc nhìn trên, Đại diện Đại sứ quán Tây Ban Nha cho rằng nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật có phần “khắt khe” của EU, nông sản Việt có thể “tự tin” bước vào bất kỳ thị trường nào khác. Ngay tại thị trường nội địa, khi người tiêu dùng trong nước cũng đang rất hoang mang về chất lượng, độ an toàn của thực phẩm, nếu chuẩn hàng xuất tăng lên, sẽ có ngày càng nhiều nhà sản xuất thay đổi cách làm của mình, đồng thời nâng chất lượng hàng cung cấp trong nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng cùng với sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia tiên tiến khác.
Còn theo ông Vincent Gothknecht, Giám đốc điều hành Công ty I.Schroeder KG Việt Nam, một trong những doanh nghiệp nhập khẩu nông sản Việt, cung cấp cho chuỗi bán lẻ châu Âu, có tới 80-90% sản phẩm nông sản tại Việt Nam có hàng hoá thay thế ở các thị trường khác như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ…
“Nhà xuất khẩu Việt Nam cần phải điểu chỉnh hành vi của mình để phù hợp với yêu cầu trong EVFTA, nâng trách nhiệm tuân thủ môi trường, trách nhiệm xã hội... Đồng thời với đó phải xây dựng được thương hiệu riêng và chú trọng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, thay vì xuất khẩu thô nông sản”.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang châu Âu còn khiêm tốn, chưa phản ánh được tiềm năng sản xuất của Việt Nam cũng chính do chúng ta đang “bỏ ngỏ” phân khúc sản phẩm qua chế biến.
Tại thị trường châu Âu, các loại hạt tươi không có thế mạnh bằng hạt chế biến, trong khi nền công nghiệp chế biến nông sản của chúng ta còn yếu và thiếu. Cả nước mới có 150 cơ sở chế biến rau quả, chưa kể, công nghệ bảo quản, chế biến sâu còn chưa đồng bộ. “Chúng ta chưa có bưởi, sầu riêng tách vỏ như Thái Lan-những mặt hàng người tiêu dùng châu Âu ưa thích vì độ tiện lợi, do đòi hỏi kỹ thuật xử lý cao hơn. Vậy thì sao có thể cạnh tranh?”, ông Nguyên đặt vấn đề.
Từ đó, ông Nguyên kỳ vọng EVFTA sẽ khơi thông nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp châu Âu vào công nghệ chế biến để nâng tầm rau quả Việt.
Ông Nguyễn Quốc Duẩn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH phát triển thương mại quốc tế Song Nam thì cho rằng doanh nghiệp Việt đang trong thế “bị động” với thị trường châu Âu. “Các mặt hàng nông sản chịu chung số phận ‘đi dễ, khó vào’, do EU không kiểm tra chất lượng tại Việt Nam mà sang đến nơi mới hậu kiểm. Khi đó doanh nghiệp mới biết sản phẩm có bảo đảm chất lượng hay không. Nếu kiểm tra tại chỗ thì ít ra có thể tìm nguồn tiêu thụ khác. Nhiều khi chỉ một quả không bảo đảm cũng bị trả về. Chi phí tiêu hủy sản phẩm còn nhiều hơn phí vận chuyển tới nơi, gây tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp”.
Theo ông Duẩn, có rất nhiều tiêu chuẩn phải đáp ứng, nhiều khi là bất khả thi với những doanh nghiệp thương mại thu mua nông sản từ nhiều vùng không đồng nhất do nông dân canh tác nhỏ lẻ.
“Cách duy nhất để thay đổi vấn đề này là quy hoạch vùng nguyên liệu. 80-90% nông dân không có những cánh đồng, nông trại lớn, còn các doanh nghiệp không thể về mua hàng ha đất nông nghiệp mà chỉ Nhà nước mới có thể làm được điều đó. Khi đó, người nông dân sẽ có 3 lựa chọn, một là làm theo tiêu chuẩn sạch, hai là bán đất, ba là cho thuê đất để tạo thành vùng nguyên liệu đủ lớn”.
Lúc đó, Việt Nam có thể “nói chuyện”với các nước châu Âu về các tiêu chuẩn cần đáp ứng, nhập phân bón nào, sử dụng thuốc bảo quản ra sao để áp dụng đồng nhất cho cả vùng nguyên liệu. Từ đó cũng dễ dàng áp dụng tiêu chuẩn canh tác, bảo đảm đầu ra đầu vào sản phẩm, đồng thời xây dựng được nhà máy đóng gói theo quy chuẩn. Điều mà hiện tại chưa làm được do các vùng nguyên liệu còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán khắp nơi.
“Có như vậy mới giải quyết được bài toán thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Còn nếu không sẽ chẳng có gì thay đổi cả”, ông Duẩn khẳng định.
Theo Thu Lê/Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn