Người dân mua hàng tại Big C Hạ Long ngày 9/3 đã giảm nhiều so với 2 ngày trước đó.
Theo thông tin từ một số đơn vị phân phối lớn Big C, MM Mega market, Vinmart và Vinmart+..., các đơn vị đã dự trữ khoảng trên 170 tỷ đồng trị giá hàng hóa bán tại chỗ, trên 22 tỷ đồng trị giá hàng hóa bán qua hệ thống đặt mua hàng tại nhà. Các đơn vị cam kết, hàng hóa luôn đảm bảo dồi dào, phong phú, được bổ sung liên tục hằng ngày khi có nhu cầu.
Để đảm bảo về nguồn hàng và ổn định tâm lý tiêu dùng cho người dân, các trung tâm thương mại, siêu thị thường xuyên thông báo trên hệ thống loa đài của đơn vị về tình hình hàng hóa, giá cả. Đồng thời mở rộng một số hình thức đăng ký mua hàng qua hệ thống đặt mua hàng tại nhà, như: GO!&Big C App; Scan & Go mua hàng từ xa... nhằm góp phần hỗ trợ người dân thuận tiện trong nhu cầu mua sắm, giảm áp lực tâm lý e ngại khi phải ra khỏi nhà trong thời điểm dịch bệnh.
Nhân viên Big C Hạ Long bổ sung nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu mua bán của người dân.
Bà Phạm Lữ, Giám đốc Big C Hạ Long, cho biết: Lượng khách hàng tới Big C thời gian này tăng cao, nhất là trong ngày 7 và 8/3 vừa qua. Riêng ngày 7/3, lượng khách hàng tăng khoảng 60% so với ngày trước đó. Tới nay, tuy lượng khách không còn dồn dập quá nhiều, nhưng số lượng hàng hóa tiêu thụ tại Big C vẫn rất lớn. Lường trước những ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, Big C Hạ Long đã thực hiện dự trù 100 tỷ đồng tiền hàng để phục vụ người tiêu dùng. Big C cam kết không để thiếu hàng hóa và không tăng giá. Tuy nhiên, khách hàng mua quá nhiều trong một thời điểm thì việc bổ sung hàng sẽ không thể nhanh trong 1-2 tiếng đồng hồ được. Bên cạnh đó, nhân viên của siêu thị phải làm việc với cường độ rất lớn. Chúng tôi mong người dân chia sẻ với doanh nghiệp điều này.
Tại các chợ bán lẻ trên địa bàn tỉnh, quang cảnh mua bán chen lấn như ngày 7 và 8/3 cũng không còn. Khảo sát tại các chợ Hạ Long I (TP Hạ Long) ngày 9 và 10/3, số lượng và giá cả các mặt hàng thực phẩm không có nhiều biến động.
Chợ Hạ Long I, giá cả các mặt hàng ổn định, không còn cảnh chen lấn mua bán như trước.
Mặt hàng rau xanh như: Cải ngọt, bắp cải, bí xanh... vẫn giữ nguyên mức giá, dao động từ 10.000-20.000 đồng/kg tùy loại. Thịt, cá là mặt hàng được nhiều người mua tích trữ nhiều nhất trong hai ngày qua, nay vẫn đảm bảo nguồn cung và giá cả ổn định.
Bà Trần Thị Phượng, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Hạ Long I, cho biết: Giá thịt lợn mấy ngày trước tăng cao một chút, nhưng từ ngày 9/3 đã trở lại bình thường, thịt lợn vai giá 120.000-130.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 135.000-150.000 đồng/kg... Nguồn hàng cung ứng cũng rất dồi dào, không thiếu như mọi người lo lắng.
Siêu thị Vinmart liên tục bổ sung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong những ngày qua, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh tiêu thụ khoảng trên 40 tấn gạo, 60.000 thùng mì tôm, 25 tấn rau, trên 12 tấn thịt các loại. Để đảm bảo nhu cầu mua sắm thực phẩm của người dân, Sở đã phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa, các trung tâm thương mại chủ động nguồn hàng dự trữ, đến thời điểm này khoảng gần 500 tỷ đồng. Trong đó, tại các trung tâm thương mại lớn khoảng trên 170 tỷ đồng hàng hóa bán tại chỗ; 22 tỷ đồng hàng hóa bán qua hệ thống online.
Ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Chúng tôi cam kết về khả năng cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, đảm bảo về giá cả và chất lượng ổn định. Vì vậy, người dân hãy yên tâm về tình hình thị trường và khả năng cung ứng của thị trường. Cần bình tĩnh, chung tay phòng dịch, không nên mua hàng tích trữ, hạn chế tụ tập nơi đông người để tránh nguy cơ lây lan của dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho mình và cộng đồng. Sở và cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình găm hàng, đầu cơ, tăng giá không đúng quy định. Người dân phát hiện trường hợp nào cố tình vi phạm cần gọi ngay cho các cơ quan chức năng theo số điện thoại đường dây nóng đã được niêm yết công khai.
Theo Minh Đức - Mai Hương/quangninh.gov.vn