Ngành sản xuất gia cầm của Pháp đã có sức cạnh tranh cao hơn nhờ áp dụng các mô hình sản xuất của châu Âu, với hệ thống chuồng trại gia cầm rộng lớn và hiệu quả hơn, nuôi các giống gia cầm trọng lượng lớn hơn và đầu tư có chiều sâu vào mảng thức ăn chăn nuôi chất lượng cao.
Không phải ngẫu nhiên ngành gia cầm Pháp bật lên mạnh mẽ, mà phải nhờ đến sự tác động của Viện Công nghệ chăn nuôi gia cầm (ITAVI), thông qua chương trình nghiên cứu đầy tâm huyết kéo dài suốt một năm. Những nghiên cứu này đã chỉ rõ tại sao mà người chăn nuôi gà thịt tại Pháp thua to ngay trên sân nhà và thị trường xuất khẩu; từ đó ITAVI vạch ra từng bước phục hồi sức cạnh tranh cho các sản phẩm gia cầm của Pháp, đẩy mạnh tốc độ sản xuất mà không phá hủy môi trường.
Một trại chăn nuôi gà ở Pháp
Thực ra, ngành gia cầm của Pháp đã thực hiện chiến dịch mở rộng quy mô sản xuất khá dài hơi suốt 30 năm, tới năm 2000 mới kết thúc. Nhưng sau khoảng thời gian đó, ngành gia cầm có dấu hiệu đi xuống. Tới nay, ngành này chưa thoát ra khỏi sự trì trệ, mặc dù nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gia cầm vẫn tiếp tục tăng.
Chi phí sản xuất một con gà tại Pháp đang đứng ở mức cao thứ 2 trong số các nước sản xuất gia cầm tại châu Âu. Do đó, nhập khẩu gia cầm là giải pháp thay thế mang lại nhiều lợi ích hơn sản xuất nội địa. 40% thịt gà đạt tiêu chuẩn được phép tiêu thụ tại thị trường Pháp là hàng nhập khẩu. Ở mức độ bán lẻ thì hàng nhập khẩu chỉ chiếm 7% tổng doanh số bán ra; trong khi đó, tại các nhà hàng hoặc trung tâm phân phối thực phẩm, hầu hết thịt gà đều là hàng nhập khẩu.
Các chuyên gia phân tích đã đưa ra nhiều nguyên nhân khiến chi phí sản xuất quá cao như gánh nặng về luật lệ quản lý, chi phí nhân công cao, cơ sở thiết bị sản xuất lỗi thời… Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển, các chuyên gia lại tập trung vào việc làm thế nào để tạo ra sự thay đổi diện mạo của từng trang trại, từ đó đánh giá và kiểm tra được nhiều tác động lên hoạt động nuôi và sản xuất thành phẩm.
Dưới đây là một trong số những biện pháp mà ngành gia cầm của Pháp thực hiện và đã có hiệu quả trong việc nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường nội địa và quốc tế.
Các chuyên gia nghiên cứu tại ITAVI chỉ ra rằng, nếu chọn nuôi con giống có trọng lượng lớn hơn thì sản lượng gà thịt sẽ cao hơn, quá trình nuôi diễn ra thuận lợi hơn, từ đó sẽ nâng cao sức cạnh tranh. Dữ liệu trong giai đoạn 5 năm sản xuất chỉ ra rằng gia cầm được đưa tới các lò giết mổ tại Pháp có trọng lượng trung bình khoảng 1,9 kg.
Loại thức ăn được lựa chọn phải đảm bảo ít thiếu hụt năng lượng, nhưng giàu a-xit a-min hơn các loại thức ăn được sử dụng phổ biến trong nuôi gà thịt trước kia tại Pháp. Loại thức ăn mới này sẽ giúp cải thiện trọng lượng của gia cầm theo từng ngày. Mặc dù người chăn nuôi cho biết chi phí thức ăn có thể sẽ bị đội lên cao, nhưng lợi ích của việc thay đổi loại thức ăn mới sẽ góp phần giảm tổng chi phí sản xuất đồng thời không gây ra tác động xấu lên môi trường.
Các trang trại chăn nuôi và hệ thống nhà máy chế biến gia cầm ở Pháp đều có tuổi đời trung bình trên 25 năm. Do đó, đầu tư xây mới cơ sở vật chất, thiết bị chế biến chính là một giải pháp hiệu quả để nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc tiết kiệm nguồn năng lượng bị tiêu hao vì máy móc cũ kỹ.
Thực tế, các trang trại nuôi gà thịt tại Pháp nhỏ hơn so với tương quan chung của ngành gia cầm châu Âu. Quy mô trung bình của một trại nuôi gà thịt tại Pháp khoảng 30.000 đầu con, trong khi ở Đức, con số này là 60.000 đầu con và Anh là 90.000 đầu con.
Bằng cách kết hợp sự thay đổi trong thực hành nuôi và đầu tư nâng cấp hệ thống chuồng trại, thiết bị chế biến, các chuyên gia phân tích cũng kết luận rằng, chi phí nuôi gà sẽ giảm 6% trong khi chi phí sản xuất fillet thịt gà giảm 13 - 16%. Nhờ đó, khoảng cách giữa ngành gia cầm Pháp và các đối thủ tại châu Âu được rút ngắn đáng kể.
Hiện đại hóa thực hành sản xuất nuôi gà thịt là vấn đề trọng tâm trong nghiên cứu của ITAVI; tuy nhiên, nó chỉ là một phần của toàn bộ quá trình rà soát kỹ lưỡng toàn bộ hoạt động xưa và nay của ngành sản xuất gia cầm tại Pháp. Nếu không bắt tay vào thực hiện những việc này, ngành gia cầm của Pháp sẽ khó nâng cao được sức cạnh tranh và giành lại thị phần đã mất vào tay các sản phẩm nhập khẩu.
>> Gia cầm của Pháp 2015:
*Tiêu thụ gia cầm tại thị trường nội địa: 270.000 tấn thịt gà; 87.000 tấn thịt gà lôi; 46.600 tấn vịt.
*Nhập khẩu thịt gia cầm: 136.000 tấn từ các nước Đức, Tây Ban Nha, Bỉ và Brazil, tăng 3,4%; xuất khẩu 130.700 tấn, giảm 20% so năm trước.
*Nhập khẩu gà thịt: 118.000 tấn, xuất khẩu: 102.000 tấn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn