Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa ngon ngọt có tiếng.
Để góp phần giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học cho rằng một trong những giải pháp là nông dân cần sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn an toàn kết hợp với việc minh bạch nguồn gốc, xuất xứ.
Tổ hợp tác Kinh tế vườn Hòa Lợi (xã Hòa Ninh- Long Hồ) chuyên sản xuất nhãn Edor (Ido). Từ khi đăng ký chỉ dẫn địa lý và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì thị trường và giá trị trái nhãn được nâng cao hơn hẳn.
Ngoài tiêu thụ ở các siêu thị trong nước, hiện trái nhãn Edor của tổ hợp tác đã xuất khẩu sang Hà Lan, Singapor và mới đây nhất là gửi hàng chào thị trường Australia và Dubai.
Ông Dương Cánh Dân- Tổ trưởng Tổ hợp tác Kinh tế vườn Hòa Lợi- cho biết: “Từ khi trái nhãn Edor sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn kết hợp với việc minh bạch nguồn gốc, xuất xứ thì giá cao hơn bình thường từ 5.000- 7.000 đ/kg.
Một số nông dân tham gia tổ hợp tác đã bán sản phẩm cho doanh nghiệp xuất đi nước ngoài, nhờ đó đời sống khá hơn, nông dân đạt lợi nhuận từ việc nâng cao chất lượng, uy tín của trái nhãn.”
Hiện nay xoài xiêm núm được trồng nhiều nhất ở huyện Vũng Liêm với 150ha. Trong đó Tổ hợp tác Xoài xiêm núm Quới An có 47,56ha đang được các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tổ có 80 tổ viên, đạt sản lượng 100 tấn/năm, thị trường tiêu thụ chính là Hà Nội, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tổ hợp tác đang có kế hoạch đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sang Mỹ và các quốc gia ở Châu Âu.
Ông Nguyễn Quang Khiêm- Chủ tịch UBND xã Quới An (Vũng Liêm)- cho biết: “Bước đầu, xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc hơn 100 tấn.
Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp tìm đến, như Tập đoàn Lộc Trời, VinGroup đến vùng nguyên liệu ký hợp đồng.
Từ khi có nhiều kênh tiêu thụ, xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP giá cao hơn gấp đôi, góp phần rất lớn trong việc tăng thu nhập của bà con nông dân”.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long khuyến khích nhà vườn chú trọng đến việc sản xuất trái cây đạt tiêu chuẩn chất lượng và có điều kiện nên đăng ký mã chỉ dẫn địa lý vùng trồng.
Hiện địa phương có trên 10 cơ sở sản xuất trái cây đạt các tiêu chuẩn GAP, trong đó có 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, còn lại là VietGAP.
Kết hợp việc xây dựng thương hiệu, đăng ký mã vùng trồng đã đẩy mạnh việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các trái cây của tỉnh một cách đáng kể.
Bước đầu, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình thực hiện được sự liên kết sản xuất- tiêu thụ bằng hợp đồng, hình thành kênh tiêu thụ riêng, đã và đang mang lại hiệu quả cho nhà vườn và tạo nguồn nguyên liệu trái cây đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cụ thể như việc xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ đầu ra cho chôm chôm và sầu riêng do Viện Cây ăn quả Miền Nam hỗ trợ.
Theo TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc, sau hơn 2 năm thực hiện triển khai hỗ trợ hướng dẫn, đến nay 34 xã viên HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước và 42 tổ viên của Tổ hợp tác Sầu riêng Thanh Bình đã hoàn thành các tiêu chí, đủ điều kiện để được cấp chứng nhận.
Thực hiện đề án này, ngoài việc tập huấn cho bà con nông dân vùng chôm chôm Bình Hòa Phước lấy tái chứng nhận GlobalGAP, canh tác bền vững, xây dựng thương hiệu, còn giúp bà con nông dân xã Thanh Bình bắt đầu làm quen với tiêu chuẩn VietGAP;
đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng các sản phẩm vi sinh vào sản xuất giúp bộ rễ cây trồng khỏe mạnh, tuổi thọ kéo dài và canh tác bền vững.
Bên cạnh đó, mô hình liên kết sản xuất- tiêu thụ bưởi Năm Roi ở Mỹ Hòa, Bình Minh cũng được triển khai hiệu quả.
Công ty TNHH Thương mại MTV Hương Bưởi Mỹ Hòa sau khi tham gia thực hiện chương trình GlobalGAP của dự án với vai trò là chủ thể đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động tổ viên 2 tổ hợp tác sản xuất bưởi Năm Roi ở ấp Mỹ An và ấp Mỹ Thới của xã tham gia chương trình với hợp đồng liên kết hỗ trợ sản xuất- thu mua sản phẩm trong mô hình (39ha) theo giá thị trường, đồng thời hỗ trợ 1 triệu đồng/tấn cho bưởi loại xuất khẩu.
Theo các nhà vườn, tình trạng này trước kia vẫn xảy ra thường xuyên nhưng không có giải pháp nào giúp bà con tránh được rủi ro.
Tuy nhiên, đến nay khi các tổ hợp tác đi vào sản xuất theo quy trình bài bản, được các công ty liên kết bao tiêu thì bà con nhà vườn rất yên tâm và hào hứng đăng ký tham gia, thâm canh mở rộng diện tích.
Theo TS Trần Văn Khởi- quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, với tổ chức chặt chẽ, diện tích đồng nhất và tiềm năng sản xuất đạt sản lượng cũng như chất lượng về sản phẩm thì sự liên kết tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Kể cả doanh nghiệp dịch vụ, cung ứng vật tư đầu vào, doanh nghiệp tiêu thụ, đấy là cơ hội không những để nông dân phát triển bền vững mà doanh nghiệp cũng phát triển bền vững.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn