Mặc dù đầu tháng 1/2016 vừa qua, Bộ NN&PTNT và WB mới tổ chức Hội nghị khởi động Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Tuy nhiên, ghi nhận đến thời điểm này nhiều địa phương thành lập xong Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để phân bổ nguồn vốn về các quận, huyện. Một số dự án phát triển chuỗi ngành hàng lúa gạo và cà phê đã bắt đầu triển khai giai đoạn đầu bằng nguồn vốn đối ứng của địa phương và vốn đóng góp của khối DN tư nhân.
Địa phương nhộn nhịp quy hoạch
Thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, đầu tháng 12/2015, ngay khi Quyết định 625/QĐ-TTg về phê duyệt danh mục dự án VnSAT của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, địa phương đã triển khai thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, đồng thời ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể của dự án để triển khai tại Lâm Đồng.
Hiện tỉnh này đã phê duyệt xong kế hoạch về nguồn vốn cho 2 hợp phần của dự án là: Hợp phần C – Phát triển chuỗi cà phê bền vững, trị giá 8,53 triệu USD (tương đương 183,5 tỷ đồng) và Hợp phần D – Quản lý dự án, trị giá 642 ngàn USD (tương đương 13,8 tỷ đồng).
BIDV tiếp tục được thực hiện cho vay lại các dự án quốc tế đổ vào nông nghiệp |
Theo ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nếu cộng chung cả 2 hợp phần trên thì tổng nguồn vốn của dự án VnSAT thực hiện tại Lâm Đồng sẽ đạt khoảng gần 9,2 triệu USD, tương đương 197,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay nước ngoài (ODA) là 124,2 tỷ đồng, vốn đối ứng là 35,7 tỷ đồng và vốn DN tư nhân tại địa phương đóng góp là 37,4 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện nay, hợp phần C của dự án đã bắt đầu thực hiện bằng nguồn vốn đối ứng và vốn của các DN tư nhân cho hoạt động hỗ trợ nông dân kỹ thuật tái canh cà phê và xây dựng các công trình xây lắp để hình thành các mô hình trình diễn phát triển cà phê bền vững.
Trong khi đó, tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL việc triển khai các hợp phần của dự án VnSAT cũng đã bắt đầu được các Sở NN&PTNT ráo riết thực hiện.
Kiên Giang đã bắt đầu lên kế hoạch phân bổ nguồn vốn gần 14,6 triệu USD, cho các huyện thị để thực hiện các hạng mục hội thảo đầu bờ, phổ biến kỹ thuật luân canh cây trồng, tập huấn sử dụng sản phẩm phụ từ lúa gạo và đào tạo cho cán bộ quản lý và phát triển hợp tác xã mô hình cổ phần.
Tại Đồng Tháp hiện địa phương đã chọn xong 6 huyện phía Bắc (bao gồm: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười và Cao Lãnh) để thực hiện tiểu Hợp phần B của dự án VnSAT là xây dựng chuỗi cánh đồng lúa lớn trên cơ sở hợp nhất 4 hợp tác xã với diện tích canh tác trên 2.600 ha.
Dự kiến kinh phí đầu tư cho mỗi huyện khoảng 70 tỷ đồng (trong 5 năm). Trong đó, địa phương sẽ đầu tư vốn đối ứng khoảng 45,6 tỷ đồng và các DN tư nhân đóng góp gần 74,8 tỷ đồng.
Kỳ vọng tạo quỹ quay vòng lớn
Để phối hợp với WB nhằm nhanh chóng chuyển giao phần vốn ODA từ dự án VnSAT đến các địa phương, cuối 11/2015, Bộ Tài chính đã ký Hiệp định vay phụ cho BIDV vay lại số vốn tín dụng trị giá 105 triệu USD từ dự án này.
Thông tin từ BIDV, NH này đã giao cho Sở Giao dịch 3 làm đơn vị trực tiếp quản lý, giải ngân nguồn vốn của dự án. Hiện BIDV đã hoàn thành các thủ tục rút vốn, trong 1-2 tháng tới có thể giải ngân nguồn tín dụng tài trợ này về các tiểu hợp phần ở các địa phương đã được phê duyệt theo Quyết định 625/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, đây là lần thứ 4, Bộ Tài chính và BIDV ký Hiệp định vay phụ chuyển giao cho vay lại nguồn vốn các Dự án tín dụng quốc tế. Trước đó, BIDV đã tiếp nhận từ Bộ Tài chính nguồn vốn của 3 Dự án Tài chính Nông thôn (RDF) với tổng mức tài trợ của WB tương đương 548 triệu USD.
Từ nguồn vốn của các dự án RDF, BIDV đã bổ sung một lượng vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp và nông thôn, bởi tính đến thời điểm cuối năm 2015, nguồn quỹ quay vòng của các dự án RDF II và RDF III đã đạt khoảng 44.000 tỷ đồng, cho vay đến trên 1,7 triệu hộ gia đình, trong đó có 600 nghìn hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, tạo ra trên 400 nghìn việc làm mới ở khu vực nông thôn.
Điều này cho thấy, với việc vay lại số vốn 105 triệu USD từ dự án VnSAT hoàn toàn có thể kỳ vọng trong vòng 5 năm tới, BIDV sẽ tạo ra một nguồn quỹ quay vòng mới với số lượng hàng trăm nghìn tỷ đồng. Số vốn lớn này sẽ là nguồn tài chính ưu đãi cực kỳ hiệu quả để nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất cà phê và lúa gạo bền vững tại Việt Nam trong vòng 5-10 năm tiếp theo.
Dự án VnSAT được vay vốn ưu đãi từ WB với tổng vốn hỗ trợ là 301 triệu USD,với mục tiêu chủ yếu là đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho 2 ngành hàng lúa gạo và cà phê ở 2 vùng sản xuất hàng hoá chủ lực của Việt Nam là ĐBSCL và Tây Nguyên. Dự án sẽ được thực hiện trong 5 năm (2015-2020) tại 13 tỉnh thành trồng lúa và cà phê trọng điểm là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang và 7 tỉnh thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp là: Vĩnh Phúc, Nam Định, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bình Định, Đồng Tháp. Đối với ngành lúa gạo, dự án sẽ hỗ trợ cho sản xuất trên diện tích 200.000ha của 140.000 hộ nông dân bằng việc áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha có thể tăng 30%, tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 40-60 triệu USD/năm. Với ngành cà phê, dự án sẽ hỗ trợ 63.000 hộ nông dân canh tác bền vững trên diện tích cho 69.000ha áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân có thể tăng khoảng 15 triệu đồng/ha so với cà phê không áp dụng canh tác bền vững hoặc không tái canh. Tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng sản xuất cà phê khoảng 48-50 triệu USD/năm. |
Thạch Bình
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn