Đóng góp tới hơn 80% trong cơ cấu lợi nhuận, cũng bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi các NH “chăm chút” các sản phẩm tín dụng thúc đẩy tăng doanh thu cho NH. Việc các NH tung ra các sản phẩm tín dụng chuyên biệt nhằm hiện thực hoá mục tiêu của các NH đồng thời cũng là xu hướng phát triển trong thời gian tới tối đa hoá lợi ích cho khách hàng.
Chuyên biệt hóa các sản phẩm tín dụng tiếp tục được các NH khai thác mạnh |
Tại các nước phát triển cũng như đang phát triển đều có hệ thống NH chuyên biệt. Ví như ở Australia, mỗi NH cung cấp cho một đối tượng khách hàng, một loại sản phẩm, dịch vụ khác nhau. Ngoài sự chuyên biệt, các NH trên thế giới còn tạo được những sản phẩm hay dịch vụ độc đáo nhờ nội lực mạnh từ quy mô, chất lượng nguồn nhân lực, khả năng tài chính...
Ở Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, mô hình này được các NH đầu tư khá mạnh. Có thể kể đến Techcombank phát triển nhiều sản phẩm tín dụng chuyên biệt phục vụ các DN trong nhiều ngành nghề kinh doanh DN thức ăn chăn nuôi, DN ngành giấy, công nghiệp phụ trợ… Hay như DNNVV cũng là đối tượng mũi nhọn trong nhiều sản phẩm tín dụng của các NH.
Nhiều NH đã thành lập riêng một khối chuyên biệt để chuyên phục vụ sản phẩm, dịch vụ cho các khách hàng này. Sử dụng các sản phẩm chuyên biệt này, DN được hưởng các chính sách linh hoạt phù hợp với đặc thù và lĩnh vực kinh doanh của mình.
Có thể nói đối với những phân khúc khách hàng trọng tâm như DNNVV, khách hàng cá nhân, khách hàng bán lẻ…, đang là mục tiêu nhắm tới của các gói sản phẩm tín dụng chuyên biệt của các NH, đồng nghĩa với việc thị phần của nhóm khách hàng này sẽ dần bị thu hẹp lại.
Chính vì vậy, để tiếp tục tăng thu cho tín dụng cũng như tăng khả năng cạnh tranh, các NH phải khai thác “mảnh đất” chuyên canh khác. Như LienVietPostBank vừa tung ra sản phẩm cho vay mắc ca. Đây là sản phẩm tín dụng đầu tiên tại Việt Nam để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp mắc ca.
Lãnh đạo LienVietPostBank chia sẻ: Trong giai đoạn triển khai thí điểm, LienVietPostBank sẽ cấp tín dụng cho các hộ nông dân nhằm mục đích trồng và chăm sóc mắc ca. Trước mắt, LienVietPostBank sẽ triển khai thí điểm ở 3 huyện: Lâm Hà, Bảo Lâm, Di Linh. Nếu việc thí điểm tại 3 huyện này thành công, LienVietPostBank sẽ tiến tới mở rộng ra các khu vực khác gắn liền với vùng quy hoạch mắc ca của tỉnh Lâm Đồng.
Sản phẩm này có nhiều điều kiện ưu đãi cho nông hộ: phương thức cho vay, trả nợ linh hoạt. Theo đó, khách hàng có thể vay từng lần hoặc hạn mức. Đối với khoản vay ngắn hạn, khách hàng trả gốc, lãi hàng tháng, hàng quý hoặc cuối kỳ tùy khả năng tài chính.
Còn với khoản vay trung, dài hạn, NH cho phép khách trả gốc, lãi định kỳ nhưng tối đa không quá 12 tháng/kỳ hoặc thời điểm trả nợ phù hợp với vụ mùa thu hoạch, thời gian tiêu thụ sản phẩm cân mắc ca.
Đặc biệt, một khoản vay nhận được tối đa 80% nhu cầu vốn vay với thời hạn vay dài nhất 10 năm, thời gian ân hạn chưa phải trả nợ gốc, lãi lên tới 5 năm. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có NH nào cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp có thời gian ân hạn dài như vậy.
Lý giải cho sự ưu đãi trên, đại diện LienVietPostBank cho biết, điều khoản được LienVietPostBank cân nhắc rất kỹ để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người vay. Bởi thực tế cũng như kinh nghiệm trồng mắc ca thành công của nhiều hộ nông dân cho thấy, phải từ năm thứ 5, thứ 6 trở đi, thu nhập từ vườn mắc ca tại Tây Nguyên mang lại lợi nhuận đủ để các hộ nông dân trả hết nợ NH, và đảm bảo chi phí duy trì, chăm sóc vườn mắc ca hiện có.
Ngoài ra, LienVietPostBank còn cho vay với những hộ dân có đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đất nhận giao khoán. Việc này sẽ tạo cơ hội cho các hộ dân chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể tiếp cận được vốn vay của ngân hàng.
Riêng về điều kiện cho vay, một trong những quy định bắt buộc là người trồng mắc ca phải mua giống của những đơn vị do NH chỉ định – là những nơi đã được các chuyên gia kiểm nghiệm về chất lượng và có sự bảo đảm trong thời gian dài. Theo đánh giá của một số chuyên gia, quy định này rất cần thiết nhằm giảm thiểu tối đa các yếu tố rủi ro sau này như cây không ra quả, hoặc quả nhỏ, không đáp ứng đúng tiêu chuẩn của thị trường…
Thực tế cho thấy, cũng đã có những nông hộ không thành công khi trồng mắc ca mà nguyên nhân chính dẫn đến thất bại do nguồn giống mắc ca không đảm bảo chất lượng ở những địa chỉ bán không rõ ràng. Mắc ca là loại cây trồng cho thu hoạch lên tới 60 – 80 năm. Chính vì vậy, giống tốt là yếu tố đầu tiên đảm bảo người nông dân trồng mắc ca thành công, thu được lãi và trả nợ cho NH.
Để hạn chế rủi ro cho cả người vay lẫn NH, đồng thời khuyến khích người dân tham gia Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, LienVietPostBank còn thực hiện chế độ bảo hiểm cho một số thiên tai đối với cây mắc ca và trả thay phí bảo hiểm cho người vay nếu họ là thành viên của hiệp hội.
Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian tới, chuyên biệt hóa các sản phẩm tín dụng tiếp tục được các NH khai thác mạnh, bắt kịp xu hướng hiện đại hóa. Việc chuyên biệt hóa các sản phẩm tín dụng lợi cả đôi đường vừa mang lại doanh thu cao cho NH lại tác động tích cực đến lòng trung thành của khách hàng.
Theo đó, các NH đã, đang và sẽ ưu tiên tăng cường xây dựng các sản phẩm đóng gói, tiện ích tích hợp dựa trên phân khúc khách hàng mục tiêu cụ thể. Để đảm bảo hiệu quả, theo nhiều ý kiến các sản phẩm làm ra phải đạt được các tiêu chí: đơn giản, tiện ích đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng và hỗ trợ tối đa khách hàng phát triển…
Bài và ảnh Nhật Hà
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn