Hàng khô nhộn nhịp
Ngay sau dịp nghỉ lễ Tết dương lịch, thị trường tôm khô, mực khô của Cà Mau đã nhộn nhịp hẳn lên. Theo các chủ vựa, giá cả biến động khá mạnh khi các cơ sở tuyến trên đang dồn sức thu hàng để bung ra dịp cận Tết. Sông Đốc là cửa biển lớn nhất Cà Mau và cũng là nơi cung cấp nguồn khô hàng đầu tỉnh. Hiện giá khô mực và khô tôm tại đây đã tăng khoảng 10% so với giá cách đây khoảng 1 tháng.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, chủ sạp khô mực tại chợ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho biết: Cách nay 1 con trăng (1 tháng) giá khô loại 1 (8 - 12 con/kg) giá mới chỉ gần 600.000 đồng/kg, nay đã tăng lên 650.000 - 680.000 đồng/kg. Khô mực loại 2 (20 - 25 con/kg), giá đã tăng lên 540.000 đồng/kg.
Các mặt hàng hải sản khô được dự đoán sẽ tiếp tục tăng giá vào dịp cuối năm.
Còn ông Nguyễn Hùng Mỹ, chủ vựa khô Mỹ Thuyền tại thị trấn Sông Đốc đánh giá rằng, giá khô mực đến cận Tết sẽ tăng thêm khoảng 30 - 50 ngàn đồng/kg. Hiện cơ sở khô của ông có rất nhiều đơn đạt hàng của tuyến trên, tuy nhiên sản lượng đánh bắt năm nay không bằng năm trước nên nhiều khả năng thiếu nguồn cung. Mặt hàng tôm khô từ lâu cũng được xếp vào một trong những đặc sản của Cà Mau, hiện giá tôm tăng cũng không kém cạnh giá mực khô.
Ông Trần Hoàng Nam, hộ làm tôm khô có quy mô lớn nhất nhì trong khu chế biến tôm khô tập trung tại ấp Đức An, xã Phú Hưng (huyện Cái Nước) cho biết: Giá khô mắc nhất (tôm đất sống làm khô) đang được ông chế biến bỏ cho các vựa trên Cà Mau với giá 800.000 đồng/kg; loại 2 (tôm bạc, đất chết làm khô) có giá từ 500.000 - 560.000 đồng/kg.
Ghi nhận của chúng tôi tại các của hàng khô tập trung tại chợ phường 7 (TP.C à Mau) dễ dàng thấy cảnh tấp lập của các cơ sở, tôm khô được đóng bao tải cỡ lớn đưa đi các nơi tiêu thụ.
Chị Trần Hằng Ly, chủ một của hàng khô tại đây cho biết, các loại tôm khô được sàn lọc ra và bán dao động từ 400.000 - 900.000 đồng/kg. Loại trung bình được người mua ưa chuộng nhất, rơi vào khoảng 600.000 - 700.000 đồng/kg. “Từ nay đến Tết, giá khô đang đợt “sốt” nên sẽ còn biến động. Hiện thị trường bán lẻ thì chưa nóng, nhưng ở các cơ sở cung ứng đưa đi tuyến trên như chúng tôi thì đang dồn dập”, chị Ly nói.
Các tiểu thương và các cơ sở bán lẻ tại đây cũng chung nhận định, khi cho rằng khoảng nửa tháng nữa, người dân chuẩn bị quà biếu Tết cổ truyền thì thị trường tiêu thụ tôm khô lẻ sẽ rầm rộ.
Giá cua nhảy múa
Tăng giá mạnh nhất trong các loại đặc sản đón Tết của Cà Mau phải nói đến cua biển. Mới hơn 3 tháng trước, người nuôi cua méo mặt vì giá rớt thảm hại thì nay đứng ngồi không yên khi giá nhảy lên liên tục.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dự, ngụ xã Rạch Chèo (huyện Phú Tân) đang phân vân không biết có nên thu hoạch lượng cua nuôi đón Tết không, khi giá chưa có dấu hiệu khựng lại. Ông Dư cho biết, vào khoảng tháng 8, cua gạch gia đình ông bán trên dưới 200.000 đồng, còn cua y (cua đực trưởng thành) có giá chỉ 140.000 đồng/kg. Bà con địa phương bắt cả thùng cua bán được mấy trăm ngàn, rầu muốn khóc. Đến khoảng 2 tháng trước giá cua mới ổn định lại ở mức: cua y 180.000 đồng, cua gạch gần 300.000 đồng /kg.
Còn ông Nguyễn Văn Phồi, xã Đông Thới (huyện Cái Nước), có 1,7 ha mặt nước nuôi tôm quảng canh. Năm nào gia đình ông cũng có nguồn thu khoảng 60 - 80 triệu đồng từ con cua. Ông chia sẻ, năm nào cũng vậy, nghỉ Tết Dương lịch là giá cua sẽ tăng mạnh và giữ giá đến gần Tết Âm lịch sẽ tăng tiếp. Theo kinh nghiệm nuôi cua mấy chục năm nay của lão nông, thì cứ từ 20 - 28/12 (âm lịch) hàng năm, giá cua đạt đỉnh điểm trong năm. Ông Phồi nhận định, cua năm nay sẽ vượt mức giá 600.000 đồng /kg dịp cận Tết năm trước.
Ông Đoàn Văn Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước cho biết, huyện có diện tích nuôi cua xen trong vuông tôm hơn 6.000 ha. Con cua không phải thu nhập chính, nhưng cũng cho bà con nguồn thu trung bình khoảng 30 triệu đồng/ha mỗi năm. Giá cua đang ở mức khá cao và theo dự đoán sẽ còn tăng tiếp thời gian tới, hứa hẹn cho bà con một vụ cua đón Tết thành công.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn