Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2019, công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP), chế biến và phát triển thị trường nông sản trong nước, quốc tế đứng trước những thuận lợi và thách thức đan xen.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam-EU vừa chính thức ký hiệp định thương mại tự do (FTA), nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, rau quả, đồ gỗ có triển vọng đẩy mạnh...
“Việt Nam-EU vừa chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, rau quả, đồ gỗ có triển vọng đẩy mạnh; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đồng bộ đến khâu sản xuất và chế biến nông sản. Nhu cầu tiêu dùng trên thế giới ngày càng khắt khe hơn, bên cạnh lộ trình cắt giảm thuế quan của các FTA song phương và đa phương đã ký kết; các FTA sắp có hiệu lực sẽ gia tốc tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của nước ta.
Tiến trình này gia tăng sự cạnh tranh và rủi ro nhưng cũng là cơ hội để nông nghiệp nước ta thực hiện cơ cấu lại đồng bộ hơn, nhất là gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản…”- ông Tiến nhấn mạnh.
Theo Bộ NNPTNT, dù ngành nông nghiệp đối mặt nhiều khó khăn thách thức, 6 tháng đầu năm giá trị sản xuất toàn ngành nông lâm ngư nghiệp ước tăng 2,7-2,9% so cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 19,75 tỷ USD, tăng 2,1 %.
Hiện hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam đang được xuất khẩu sang 180 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới, với 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 6 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD như tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau quả, hạt điều, cà phê, gạo.
Trong khi đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, đang tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rào cản thương mại từ phía Trung Quốc và đề xuất thúc đẩy các mặt hàng yến sào, trái cây, sữa, sản phẩm sữa…vào thị trường này.
Đồng thời, mở cửa các thị trường mới đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu như xoài vào Mỹ, Anh, Úc; chuẩn bị hồ sơ đề nghị xuất khẩu một số sản phẩm trái cây sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc; xuất khẩu nông thủy sản sang Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc; triển khai Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng để sớm xuất khẩu lô sữa đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết thêm, 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã kiểm tra 34.220 cơ sở, xử phạt hành chính 1.947 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản (chiếm 5,68%), giảm 6,36% so cùng kỳ năm 2018, với số tiền phạt 9,63 tỉ đồng tăng 3,3 tỷ đồng.
Tổ chức kiểm tra chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam như kiểm tra 31.118 lô có tổng trọng lượng 2.292.996,966 tấn với hơn 110 loại mặt hàng nhập khẩu trên 40 quốc gia, xử lý 552 vụ vi phạm. Kiểm soát 198 lô muối nhập khẩu, tương ứng với 321.784 tấn muối và đáp ứng yêu cầu chất lượng, ATTP muối nhập khẩu…
“Việc phát hiện, xử lý nghiêm và công khai các hành vi vi phạm đã củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào hàng nông lâm thủy sản nội địa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế như việc thực thi pháp luật tại các địa phương chưa đạt, việc giám sát thanh kiểm tra chưa đầy đủ, nghiêm túc…”, ông Tiệp nói thêm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn