Mở rộng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Năm 2017, tín dụng toàn ngành Ngân hàng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm. Tính đến cuối tháng 6/2017, tín dụng tăng gần 8% so với cuối năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây.
Là NHTM Nhà nước lại được giao nhiệm vụ giữ vai trò chủ lực trên thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn - một trong những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, trong suốt thời gian qua cũng như từ đầu năm đến nay, Agribank tiếp tục tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng hướng dòng vốn tập trung phát triển sản xuất kinh doanh.
Tính đến cuối quý II/2017, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt 788.588 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 73,4%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và chiếm hơn 53% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành Ngân hàng.
Agribank quyết tâm đi đầu về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh |
Đặc biệt, để đón “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tích cực đồng hành cùng ngành nông nghiệp Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức to lớn trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm... Agribank quyết tâm đi đầu thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nền nông nghiệp hiện đại, an toàn, phát triển bền vững.
Trước khi có Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP của Chính phủ về gói tín dụng có quy mô 100.000 tỷ đồng dành cho “phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, từ tháng 11/2016, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng. Đến thời điểm này rất nhiều đối tượng, các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã vay vốn từ Agribank, dư nợ đến nay đạt khoảng 16.000 tỷ đồng.
Đơn cử như mô hình trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp (Tiền Giang, Long An), thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận), nuôi tôm giống (Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận)… Bước đầu, các mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận cao giữa các DN và người dân, qua đó dần hình thành “làn sóng” đầu tư lĩnh vực này.
Song song với hoạt động cho vay thương mại, Agribank tiên phong triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng trọng điểm của Chính phủ, NHNN góp phần hỗ trợ tăng trưởng bền vững nền kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội như cho vay phục vụ chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41 và 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ; cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư số 11 của NHNN; Cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; Cho vay tái canh cà phê khu vực Tây Nguyên; Cho vay xây dựng nông thôn mới…
Giữ vững vị trí số 1 cho vay tam nông
Với mục tiêu xuyên suốt trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung, chủ lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng, đồng thời quán triệt chỉ đạo của NHNN, trong thời gian tới, Agribank đề ra mục tiêu cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 70% tổng dư nợ, quán triệt các chi nhánh trên toàn hệ thống tập trung mở rộng tín dụng, kiểm soát chất lượng tín dụng.
Để đạt mục tiêu lớn trên, Agribank sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả, vừa đảm bảo chặt chẽ, vừa linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng nhưng cũng đảm bảo an toàn vốn.
Đẩy mạnh huy động vốn, đồng thời tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn các đối tượng khách hàng DN, hộ sản xuất và cá nhân đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao, DN khởi nghiệp, là những mục tiêu quan trọng mà ngân hàng hướng tới thực hiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Agribank vẫn tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, chương trình kết nối Ngân hàng – DN…
Một vấn đề thách thức đặt ra đòi hỏi nỗ lực trong hoạt động của ngân hàng nữa là trong thời gian qua, Chính phủ đưa ra hàng loạt các cam kết chính sách về ưu đãi đầu tư, tích tụ ruộng đất, cải cách thủ tục hành chính... do đó xu hướng chuyển mạnh sang đầu tư vào thị trường nông nghiệp ngày càng hiện hữu.
Để giữ vững vị trí số 1 trên thị trường tín dụng tam nông, khơi thông dòng chảy nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, Agribank xây dựng chiến lược đưa vốn và dịch vụ ngân hàng đến từng hộ sản xuất, liên kết hợp tác với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và đặc biệt là phối kết hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương cấp cơ sở để đồng hành cùng DN và hộ sản xuất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Lần đầu tiên trong quy chế cho vay khách hàng, Agribank đã mạnh dạn dành riêng một phần quy định về “cho vay hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn” trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro trong sản xuất kinh doanh… Với hệ thống công nghệ, cơ sở mạng lưới, đội ngũ nhân viên chuyển tải dịch vụ ngân hàng trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn, Agribank hoàn toàn tin tưởng vào việc sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao, vừa đảm bảo kinh doanh hiệu quả, đủ sức đảm bảo vốn cho các dự án có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Agribank xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đó là tiếp tục cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho tam nông, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng… đồng thời đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn. Agribank triển khai mô hình “Ngân hàng lưu động” để đưa vốn đến tay người nông dân được thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn, tăng tính chủ động đối với khách hàng trong giao dịch với ngân hàng.
Agribank giảm lãi suất cho vay Từ ngày 10/7/2017 Agribank thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên theo TT 39/2016/TT-NHNN có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Agribank là ngân hàng đầu tiên điều chỉnh lãi suất cho vay trung dài hạn. Động thái điều chỉnh đồng loạt giảm lãi suất cả kỳ hạn ngắn, trung, dài hạn của Agribank nhằm thực hiện tốt chỉ đạo NHNN về thực hiện các giải pháp về lãi suất, đồng thời chia sẻ, hỗ trợ khách hàng hoạt động kinh doanh hiệu quả, tiếp tục hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Được biết, trong năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017, Agribank đã thực hiện 12 đợt giảm lãi suất cho vay, triển khai 4 gói tín dụng ưu đãi lãi suất, thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 - 1,5%/năm để hỗ trợ các khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Agribank cũng đã ban hành đồng bộ chính sách ưu đãi về lãi suất tiền gửi, tiền vay, phí thanh toán, phí dịch vụ và các chính sách khác để khách hàng có thể sử dụng nhiều gói sản phẩm, dịch vụ có tính liên kết của Agribank. Viết Chung |
Thái Anh
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn