Thị trường Trung Quốc khó tính hơn: Thay đổi để chiếm lĩnh
Chủ nhật - 28/07/2019 04:15
Lâu nay, người sản xuất và nhiều doanh nhân của ta cho rằng, Trung Quốc là thị trường dễ tính, xuất khẩu nông sản qua đường biên mậu dễ dàng, chất lượng sản phẩm ít được quan tâm.
Điều này tạo nên hệ lụy: sản xuất không tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm, không truy xuất được nguồn gốc, thiếu liên kết, giá bán bị ép, nhiều thời điểm nông sản ùn ứ ở cửa khẩu, không ít thương nhân vỡ nợ vì mua bán không có hợp đồng,…
Bước vào năm 2019, Trung Quốc có sự điều chỉnh chính sách, từ mua bán biên mậu sang chính ngạch với những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn với nông sản nhập khẩu từ Việt Nam, nhất là tiêu chuẩn về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm. Họ yêu cầu cơ quan chủ quản Việt Nam đăng ký vùng trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc. Thậm chí, họ còn yêu cầu cụ thể vật liệu đệm, lót trái cây như xốp lưới đối với dưa hấu, giấy dai kraft đối với chuối và mít... Không những thế, họ còn chỉ định cửa khẩu nhập khẩu đối với từng mặt hàng trái cây, thủy sản, lương thực cụ thể.
Song song với những biện pháp kỹ thuật, Trung Quốc tăng cường quản lý hoạt động trao đổi của cư dân biên giới. Các mặt hàng nông sản không thuộc danh sách các mặt hàng nông sản đã được Trung Quốc mở cửa thị trường chính thức sẽ không được nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới tại đường mòn, lối mở giữa hai nước như trước nữa.
Nói tóm lại, xuất khẩu tiểu ngạch bị siết chặt. Cơ hội cho hàng hóa chất lượng thấp không còn. Đó là nguyên nhân khiến lượng nông sản của ta vào thị trường Trung Quốc 6 tháng đầu năm có phần sụt giảm (kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 13,6 tỉ đô la Mỹ, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 8 mặt hàng nông - thủy sản chủ lực xuất sang Trung Quốc: rau củ, gạo, khoai mì (sắn), cao su, thủy sản, hạt điều, cà phê và trà (chè), thì có 4 mặt hàng kim ngạch sụt giảm (khoai mì, thủy sản, cà phê và gạo). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu lúa gạo chỉ đạt 111 triệu đô la Mỹ, giảm đến 75% so với cùng kỳ).
Hiện nay chúng ta đã ký 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác, cả từng nước, cả từng nhóm nước, ví như CPTPP và EVFTA… Nhìn chung, các thị trường này đều đòi hỏi nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đăng ký vùng trồng,… với các loại nông sản. Bởi vậy, việc Trung Quốc cũng có yêu cầu như vậy là phù hợp xu thế chung.
Xin nói thêm, hiện Trung Quốc là thị trường lớn nhất của nông sản Việt. Nếu đáp ứng được yêu cầu của thị trường này, nông nghiệp Việt sẽ phát triển ổn định ở mức độ cao vì những thuận lợi hiếm có.
Không chỉ các thị trường nhập khẩu, tại thị trường trong nước, yêu cầu về nông sản sạch, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ cũng đang được người tiêu dùng đặt ra.
Để đáp ứng các yêu cầu đó, ngành nông nghiệp, các nhà sản xuất nông – thủy sản phải thay đổi.
Theo đó, khi đang chờ sửa đổi Luật đất Đai về tích tụ ruộng đất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai liên kết giữa nhà nông với nhau thông qua Hợp tác xã, Tổ hợp tác để có quy mô sản xuất lớn hơn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật và giống nuôi trồng đồng bộ nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa đủ lớn, chất lượng đồng đều, giá thành hạ. Xây dựng những quy định phù hợp thị trường trong liên kết giữa nhà nông, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp. Nhanh chóng xây dựng giải pháp hỗ trợ để các tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm hộ cùng sản xuất một sản phẩm trở thành doanh nghiệp, nhất là hỗ trợ về kỹ năng quản trị, áp dụng công nghệ mới và tiếp cận vốn.
Chỉ có hợp tác chúng ta mới có được sản phẩm hàng hóa có chất lượng đồng đều và mới áp dụng được các biện pháp kỹ thuật đồng bộ để giảm giá thành và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chỉ có đi cùng nhau chúng ta mới đi được xa”.
Nói vậy để thấy, muốn chiếm lĩnh thị trường, chúng ta phải thay đổi trên cơ sở tư duy “khách hàng được lợi gì từ dùng sản phẩm của Việt Nam”.