Sau 3 ngày kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định triển khai thu mua tạm trữ một triệu tấn gạo, thị trường lúa, gạo tại ĐBSCL đã bắt đầu tăng nhiệt trở lại.
Giá lúa thương lái đi thu mua đã tăng từ 150 - 200 đ/kg so với cách đây ít ngày. Đây là tín hiệu vui cho hàng triệu nông dân đang thu hoạch rộ lúa ĐX 2013-2014.
Tuần qua, bà con nông dân ĐBSCL rầu ruột gan vì giá lúa bất ngờ giảm mạnh khoảng 400-500 đ/kg, từ mức 4.700 đ/kg ở đầu vụ xuống còn 4.000-4.200 đ/kg (lúa IR 50404 tươi mua tại ruộng). Nông dân mong chờ chính sách thu mua tạm trữ được Chính phủ cho triển khai nhằm nâng đỡ giá lúa không bị tụt sâu hơn nữa.
Và ngay trong Hội nghị “Về sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo vùng ĐBSCL”, được tổ chức tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định cho triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, triển khai thực hiện từ ngày 15/3. Trước thông tin này, thị trường lúa gạo đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực, còn nông dân vui mừng không sao tả nổi.
Sáng 17/3, đi dọc theo QL91, từ Cần Thơ về An Giang, nhiều cánh đồng cặp theo ven lộ đang trong thời kì thu hoạch. Dưới ruộng, những chiếc máy GĐLH đang cần mẫn làm việc thì trên lộ đã có thương lái chờ sẵn để thu mua lúa tươi cho nông dân. Còn tuyến sông Ô Môn chảy dài về các huyện như: Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), từ sáng sớm đã nhộn nhịp hẳn lên bởi ghe máy của cánh thương lái xuôi ngược, len lỏi vào những tuyến kênh nhỏ để thu mua lúa của dân, không khí khác hẳn hơn so với tuần rồi.
Thị trường lúa gạo sau những ngày vắng lặng do bị bất ngờ “tụt áp” nay đã được hâm nóng trở lại. Cụ thể, ngày 17/3, giá lúa IR 50404 được thương lái thu mua ngay tại ruộng từ 4.300-4.350 đ/kg, lúa hạt dài 4.600-4.700 đ/kg, lúa thơm OM 4900 giá 4.800 đ/kg, tăng khoảng 150-200 đ/kg. Tuy chưa lấy lại được mức giá ở đầu vụ nhưng nhiều nông dân vẫn rất phấn khởi vì không còn cảnh ế ẩm, hết cảnh phải nằm đồng giữ lúa như những ngày trước.
Ông Ngô Văn Lợi, ở xã Tân Thạnh, Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Vụ ĐX này gia đình SX 1 ha lúa giống OM 4900 nên thu hoạch muộn hơn so với các hộ trong khu vực làm lúa ngắn ngày khoảng 1 tuần. May mà thu hoạch đúng vào đợt thu mua tạm trữ nên giá lúa tăng thêm được gần 200 đ/kg, cũng đỡ khổ”.
Ruộng lúa của ông Lợi vụ này trúng mùa, đạt năng suất tới 1,2 tấn/công. Ngay khi vừa thu hoạch xong đã có thương lái đến trả giá để mua, ông Lợi liền quyết định bán hết để tránh bị giảm giá như mấy hôm trước. Tính ra vụ này sau khi trừ hết chi phí ông Lợi còn lời khoảng 26 triệu đ/ha, nhờ đó có tiền trả nợ VTNN và chuẩn bị để đầu tư tiếp cho vụ lúa HT.
Lúa thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó
Nông dân Lê Văn Thơm, ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, An Giang cũng vừa bán xong 5 tấn lúa OM 4218 với giá 4.600 đ/kg cho biết: “Thời điểm chuẩn bị thu hoạch giá lúa liên tục giảm, thương lái bỏ cọc không chịu mua nên tôi rất lo. Cũng may là Chính phủ có quyết định thu mua tạm trữ kịp thời, nên giá lúa đã nhích lên, thương lái đi thu mua trở lại nên tôi kêu bán liền vì không biết giá lúa những ngày tới như thế nào và cũng không có điều kiện để trữ lại chờ giá”.
Những nông dân có diện tích lúa lớn vài chục ha, có điều kiện trữ lại thì chọn giải pháp phơi sấy rồi đưa vào kho chờ khi nào giá tốt mới bán. Ông Lê Thành Long, ở xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, An Giang, vụ này SX trên 120 ha, cho biết: “Do canh tác diện tích lớn nên tôi trang bị đầy đủ máy cắt, máy sấy, kho chứa… Tuần rồi tôi thu hoạch gần 50 ha, thấy giá cả xuống thấp quá nên cho ghe chở về nhà tự sấy cho vào kho trữ đó. Diện tích còn lại đang tiếp tục thu hoạch. Những ngày tới nếu thị trường lúa gạo tăng thêm lúc đó tôi mới chịu bán, còn không đưa về tạm trữ hết, chờ khi nào giá cả lý tưởng mới khui bồ”.
Theo kinh nghiệm của ông Long, chỉ cần lưu kho lại khoảng 1,5-2 tháng cho qua khỏi đợt thu hoạch rộ là giá sẽ tốt trở lại, lợi nhuận sẽ cao hơn.
“Sớm nhất cũng phải đến ngày 19/3 mới có chỉ tiêu cụ thể được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ cho các DN nhưng Cty vẫn chủ động thu mua lúa trước. Hiện giá gạo nguyên liệu để chế biến gạo 5% tấm được Cty mua vào với giá 6.800 đ/kg, gạo 25% tấm 6.600-6.700 đ/kg, tăng khoảng 200 đ/kg so với cách đây ít ngày”, ông Phan Văn Đông, GĐ Cty CP Nông lâm sản Kiên Giang thông tin thêm. |
Sau khi giá lúa tăng trở lại, cánh thương lái cũng bắt đầu nhổ neo, cho ghe chạy đi khắp nơi để thu mua lúa trong dân. Chị Trần Thị Hiền, một thương lái mua lúa ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: Ngay khi biết tin Chính phủ quyết định cho triển khai thu mua tạm trữ, thấy giá tốt lên tôi đã cho chiếc ghe 45 tấn bắt đầu đi thu mua lúa của nông dân về xay bán gạo cho kho. Gạo nguyên liệu của giống IR 50404 được DN ở địa phương mua vào với giá 6.700-6.800 đồng/kg và 7.300-7.400 đồng/kg đối với các giống hạt dài như OM 6976, OM 5451, OM 4218…, tăng bình quân 100-120 đồng/kg so với tuần rồi.
Không chỉ gạo nguyên liệu, giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL cũng tiếp tục xu hướng tăng lên từng ngày. Cụ thể, lúa IR 50404 tươi tại huyện Tân Thạnh, Long An hiện được thương lái mua tại ruộng với giá 4.400-4.500 đồng/kg và 4.800-4.900 đồng/kg đối với lúa thơm nhẹ OM 4900 (lúa tươi), tăng 100-200 đồng/kg.
Dự báo trong những ngày tới giá lúa sẽ tiếp tục tăng và ổn định khi các DN thu mua tạm trữ theo chỉ đạo của Chính phủ. Đến nay toàn vùng ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 650.000 ha trên tổng số 1,6 triệu ha đã xuống giống. Hiện tại đang là thời điểm thu hoạch rộ lúa ĐX, hầu hết nông dân đều trúng mùa với năng suất khoảng 7,8 tấn/ha, cá biệt một số nơi lên đến 10 tấn/ha.
Ông Phan Văn Đông, GĐ Cty CP Nông lâm sản Kiên Giang cho biết, quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ lúa ĐX 2013-2014 tại ĐBSCL đã mang lại tín hiệu tích cực, chặn đứng đà giảm giá mạnh do nhiều tỉnh đang vào thời kỳ thu hoạch rộ, nguồn cung quá lớn. Cụ thể tại Kiên Giang, thị trường lúa gạo đã sôi động trở lại sau những ngày ế ẩm do giá giảm mạnh và thương lái sợ thua lỗ không đi thu mua.
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn