Nông thôn là thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt
Nhìn từ những điểm sáng
Dạo quanh các khu chợ nông thôn, không khó để nhận thấy, thị phần lớn các mặt hàng tiêu dùng nhanh như dầu gội, xà phòng, kem đánh răng… đang thuộc về "ông lớn" Unilever. Tuy vậy, có được kết quả đó hoàn toàn không đơn giản. Theo lý giải của vị "đại gia" này, khó khăn DN thường gặp phải khi đưa sản phẩm về nông thôn là giá và hệ thống phân phối. Hiểu rằng người tiêu dùng nông thôn thường có thói quen mua hàng hóa đủ sử dụng trong vài ngày, Unilever đã đưa ra thị trường các sản phẩm dầu gội đầu, dầu xả tóc được đóng bao bì nhỏ, có giá bán từ 1.000 - 1.500 đồng/gói. Cách làm này đã giúp Unilever tiêu thụ được lượng lớn hàng tại nông thôn. Tương tự, các sản phẩm nước xả vải, xà phòng, bột giặt… cũng được đóng gói với nhiều loại trọng lượng, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng.
Bài toán hệ thống phân phối cũng được Unilever giải quyết tốt. Bắt đầu từ những chiếc xe máy tiếp thị sản phẩm đến từng cửa hàng nhỏ, bằng các sản phẩm chất lượng, giá bán phải chăng, đến nay, các sản phẩm của Unilever đã có mặt tại hơn 400.000 điểm bán lẻ khắp cả nước.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, nông thôn vẫn là cơ sở tiêu dùng lớn nhất và người tiêu dùng với mức thu nhập tăng lên sẽ có khả năng chi tiêu nhiều hơn. |
Cũng chiếm lĩnh khá tốt thị trường nông thôn là các sản phẩm nước giải khát Bidrico của Công ty Tân Quang Minh. Để "phủ" hàng ở thị trường nông thôn, Bidrico chọn cách giảm giá bán. Khi giao hàng cho đại lý, các sản phẩm của Bidrico luôn có giá thấp hơn các nhãn hiệu khác từ 10 - 20%. Nhờ đó, dù các đại lý có cộng thêm chi phí nhưng vẫn bảo đảm mức giá cạnh tranh. Ngoài ra, chai thủy tinh được Bidrico thay thế bằng chai dùng một lần nhằm giảm chi phí vận chuyển, giảm giá thành. Mạng lưới phân phối cũng được Bidrico phát triển khá tốt, mỗi tỉnh đều có từ 1 - 3 nhà phân phối hoặc đại lý Bidrico.
Làm sao chiếm lĩnh?
Theo báo cáo hàng quý mới nhất vừa được Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam công bố, trong quý IV/2016, mức tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam tại khu vực nông thôn là 7%, đóng góp 51% tổng mức tiêu thụ ngành hàng này của cả nước. Đáng chú ý, mức tăng trưởng của ngành hàng này ở khu vực nông thôn cao hơn thành thị 0,3%, là "mảnh đất màu mỡ" của các DN ngành hàng tiêu dùng nhanh. Dù vậy, ngoài một số DN lớn kể trên, chưa có nhiều DN mặn mà thâm nhập vào thị trường nông thôn. Nhiều DN chỉ tập trung vào các thành phố lớn, vốn có sẵn điều kiện thuận lợi về hạ tầng thương mại với lượng khách hàng nhất định.
Trong bối cảnh DN Việt đang phải chịu cạnh tranh mạnh mẽ với các DN nước ngoài, nông thôn chính là thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa Việt. Trước thành công của những DN đã chiếm lĩnh tốt thị trường nông thôn, các chuyên gia cho rằng, DN cần có cách tiếp cận bài bản bằng sản phẩm chất lượng, bằng uy tín thương hiệu, đa dạng các kênh mua sắm nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn.
Về phía các cơ quan chức năng, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ DN chiếm lĩnh tốt thị trường nông thôn. Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ quảng bá, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu công nghiệp, xúc tiến thương mại, đào tạo, cung cấp thông tin về thị trường… Đồng thời, có chế tài xử lý mạnh các hình thức gian lận thương mại.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn