Xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh
Theo thống kê sơ bộ từ TCHQ, 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 983,05 triệu USD, tăng tới 60,31% so với cùng kỳ, cao nhất trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Rau quả Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: Mỹ,New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Đáng lưu ý, đây không phải là thành tích bất chợ mà liên tục trong vài năm gần đây, rau quả luôn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhóm nông, lâm, thủy sản. Việc rau quả có mặt tại hàng loạt thị trường khó tính khong phải là may mắn mà do sự nỗ lực trong thời gian rất dài. Đơn cử, để được cấp phép vào Australia, trái vải Việt Nam đã phải trải qua 10 năm đàm phán về các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật ở các thị trường khác như Hoa Kỳ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn QUốc… thời gian đàm phán cũng trên dưới 4 năm.
Tín hiệu vui cho quả vải của Việt Nam
Sau khi phía đối tác Australia đồng ý cho vải thiều chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thuộc Viện Nguyên tử Việt Nam (Bộ KHCN), ngày 23/6, lô vải thiều dầu tiên hơn 3 tấn được Công ty TNHH Sản xuất thương mại Rồng Đỏ chiếu xạ tại đơn vị này để xuất khẩu sang Australia. Đây là tín hiệu vui cho quả vải của Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính trên thế giới.
Theo quy định của Australia, quả vải tươi của Việt Nam muốn xuất khẩu vào thị trường Australia phải đảm bảo 5 yêu cầu. Đó là vùng trồng, cơ sở đóng gói, bao bì và ghi nhãn, xử lý chiếu xạ và kiểm dịch. Cụ thể, vùng trồng, cơ sở trồng vải phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và thu hoạch đảm bảo giảm thiểu sinh vật gây hại trên quả vải, áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số.
Hiện nay, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội đang thực hiện chiếu xạ hoa quả tươi với giá dịch vụ khoảng 6.000 đ/kg. Đây được coi là mức giá “mềm” hơn so với các trung tâm chiếu xạ tại khu vực Tp.HCM. Đại diện doanh nghiệp có vải tươi xuất khẩu sang Australia thực hiện chiếu xạ chiều 23/6 cho biết, việc xử lý chiếu xạ là yêu cầu bắt buộc của đối tác. Việc thực hiện chiếu xạ ở Hà Nội giúp tiết kiệm được chi phí vận chuyển khoảng 15-16 triệu đồng/tấn hàng. Chưa kể còn tiết kiệm được thời gian, tiêu hao hàng hóa khi vận chuyển.
Chỗ đứng nông sản Việt trên thế giới
Ngày 23/6, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Trường ĐH KHXH&NV Tp.Hồ Chí Minh, Viện Chính trị Konrad Adenauer Stiftung (KAS) – CHLB Đức tổ chức Hội thảo “Xây dựng nông sản Việt trên thị trường thế giới”.
Hội thảo nhằm giúp chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nâng cao nhận thức về chuỗi giá trị trong nông nghiệp, cách ứng dụng sự phát triển của chuỗi giá trị thông qua điển cứu. Từ đó giúp họ tận dụng cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do FTAs mang lại.
Số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, hiện nay Bến Tre xếp hạng 19/63 tỉnh, thành trong cả nước, 5/13 tỉnh thành vùng ĐBSCL có nhiều hồ sơ đăng ký nhãn hiệu. Điều này cho thấy nhận thức của xã hội về vai trò của SHTT từng bước được nâng lên, các DNNVV trong tỉnh ngày càng thấy rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền SHTT, nhất là bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm/dịch vụ của DN mình trong và ngoài nước, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm/dịch vụ của tỉnh trong nền kinh tế hội nhập hiện nay.
Vingroup ra mắt sản phẩm rau nhà kính đầu tiên
Ngày 23/6, Công ty VinEco –Tập đoàn Vingroup chính thức ra mắt thị trường những mẻ rau trồng trong nhà kính đầu tiên. Sản phẩm được sản xuất theo công nghệ hiện đại của Israel và được phân phối độc quyền trong hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+ trên toàn miền Bắc.
Sau 6 tháng khởi công tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), VinEco đã đón những sản phẩm nhà kính đầu tiên, gồm hơn 20 loại rau mầm và 12 loại rau thủy canh, năng suất lần lượt là 200 kg và 500-700 kg/ngày.
Toàn bộ các giai đoạn từ gieo hạt đến thu hoạch đều được kiểm soát tự động và khép kín nhằm đảm bảo giá trị dinh dưỡng cao như Vitamin A, B, C, E, can xi, các loại khoáng chất (Fe++, Zn++), các axit amin, đạm dễ tiêu…
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Vineco sẽ hoàn thiện lắp đặt 55ha nhà kính và khoảng 120ha nhà lưới/nhà màng để canh tác các loại rau mầm, rau thủy canh và các loại rau quả khác tại miền Bắc, miền Nam và Lâm Đồng.
Tập đoàn CJ Hàn Quốc trồng ớt tại Việt Nam
Tập đoàn CJ Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, quyết định đầu tư trồng ớt tại Việt Nam sau nửa năm thử nghiệm thành công tại Ninh Thuân. Qua đó, CJ quyết định chi 2,1 triệu USD cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) kết hợp với nông dân tại Ninh Thuận trồng 10 ha ớt. Vụ mới sẽ khởi đồng từ đầu tháng 7, CJ sẽ cung cấp giống, phân bón, đồng thời đem chuyên gia nông nghiệp Hàn Quốc sang hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác và chăm sóc. Dự kiến, CJ có thể thu được 200 tấn ớt tươi mỗi năm từ 10 ha này. CJ vào Việt Nam từ năm 1998 và thành lập công ty CJ Vina Agri, chuyên sản xuất và kinh doanh các loại thức ăn chăn nuôi.
Nguồn: Báo Đầu tư, Thời báo kinh tế Việt Nam, Nông thôn ngày nay…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn