Người dân các tỉnh phía Nam có thói quen ăn thịt gà hàng ngày, gà là món ăn bình dân, bán nhiều cho người dân lao động trong các khu công nghiệp. Vùng miền Đông Nam bộ cũng là thủ phủ chăn nuôi gà và là nơi đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu gà sang Nhật Bản.
Gà thải loại ở nhiều nước cấm dùng làm thực phẩm cho người Ảnh: EPA
Nhưng thời gian gần đây các tiểu thương và người tiêu dùng xôn xao khi trên lề đường bày bán gà không rõ nguồn gốc với giá chỉ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Nét lạ mắt là gà này đều không có đầu. Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Đông Nam bộ cho rằng đây là gà thải loại từ nước ngoài, theo hình thức xẻ nhỏ từng bộ phận ra, thuế nhập khẩu chỉ còn là 20%. Do đó, doanh nghiệp cắt bỏ đầu, chân để được hưởng thuế suất nhập khẩu 20%.
Theo giới kinh doanh, dù gọi tên là gà thải loại, gà mái đẻ, gà nhập, gà Hàn Quốc, Trung Quốc… thì việc gà bán với giá 60.000 đồng/con (chỉ bằng 30% giá gà trong nước) là điều rất bất thường, nhất là về nguồn gốc, chất lượng và thuế nhập khẩu.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cũng đã từng cảnh báo: “Nhiều nước nuôi gà lấy trứng, do vậy gà loại này ít được bán với tư cách gà thịt, giá rất rẻ, được tuồn vào Việt Nam chủ yếu là do buôn lậu. Hiện nay, thị trường thế giới đã toàn cầu hóa, giá giống, giá thức ăn, công lao động các nước đều sàn sàn như nhau, giá thành gà không chênh lệch lớn, do vậy không thể có gà chất lượng mà giá lại chỉ bằng 1/3 giá của nước khác được”.
Có thông tin cho biết, Hàn Quốc cấm dùng loại gà này làm thực phẩm cho người nên buộc các trang trại phải tiêu hủy, chế biến làm TĂCN? Các nhà khoa học đều khẳng định gà đẻ trứng có nguy cơ tồn đọng nhiều kháng sinh và chất kích thích. Người dân gọi đây là “gà rác”. Song vì sao gà này lại vẫn xuất hiện công khai tại thị trường Việt Nam.
Trong khi ở chiều ngược lại, gà Việt Nam xuất khẩu sang các nước, trong đó có Hàn Quốc, lại phải chịu những hàng rào cực kỳ nghiêm ngặt, đòi hỏi tiêu chuẩn vô cùng khắt khe, đặc biệt là gia cầm chưa chế biến. Hiện tại, các trang trại trong cả nước đang nỗ lực đầu tư vốn, giống, khoa học… để xuất khẩu gà đi Hàn Quốc, Nhật Bản… sản phẩm từ Việt Nam được chăn nuôi rất đúng quy trình khoa học quốc tế. Nhưng người dân lại hằng ngày nhìn thấy gà thải loại từ các nước phát triển tràn ngập trên thị trường Việt Nam. Phải chăng thị trường Việt Nam quá dễ dãi với các sản phẩm nhập khẩu, hay có những sự gian lận thương mại, buông lỏng quản lý, tiếp tay cho những kẻ buôn bán vô lương tâm đưa sản phẩm kém chất lượng vào nội địa?
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Đông Nam bộ cho biết, “gà rác” này ở Hàn Quốc giá chỉ 5.000 đồng/kg. Ai cũng biết Hàn Quốc là nước phát triển, giá cả đắt đỏ hơn Việt Nam, nhu cầu gia cầm của Hàn Quốc cũng rất lớn, nhất là sau dịch cúm gia cầm, nước này đã phải mở cửa nhập khẩu trứng và sản phẩm gia cầm số lượng lớn. Vậy tại sao lại có loại gà giá rẻ chỉ 0,4 USD/kg? Rõ ràng trong cơ chế thị trường, giá cả và chất lượng luôn tương ứng với nhau. Gà chất lượng kém được nhập khẩu vào Việt Nam, tiêu thụ công khai tại Việt Nam, trách nhiệm thuộc về ai?
Theo Cục Thú y, việc nhập khẩu gia cầm từ các nước xuất khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định theo Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 8/4/2010 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu. Nếu thực hiện đúng các quy định thì việc nhập khẩu sản phẩm tươi sống vào Việt Nam là chuyện không hề dễ dàng. Các cơ quan Việt Nam sẽ trực tiếp thẩm định kiểm tra từng cơ sở giết mổ và chế biến thịt, nếu đạt yêu cầu thì mới được đưa vào danh sách các nhà máy được phép xuất khẩu vào Việt Nam.
Vậy việc “gà rác” xuất hiện ở Việt Nam gây xôn xao, dư luận đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các cơ quan kiểm định và hơn hết đó là chủ trương chính sách bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ người chăn nuôi trong nước trước nguy cơ thị trường chăn nuôi trong nước trở thành nơi tiêu thụ thực phẩm rác từ các nước.
Khi thực phẩm rác, điển hình là “gà rác” mà nước xuất xứ chỉ bán 5.000 đồng/kg tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều thì niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm gà nói chung sẽ giảm sút, kéo theo sự sụt giảm về giá và làm đình đốn ngành chăn chăn nuôi trong nước. Vì vậy dư luận mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm về vai trò quản lý mình đối với mặt hàng gà rác nhập khẩu.
>> Trả lời báo chí, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho biết, loại gà thải loại đang bán đầy rẫy trên thị trường Việt Nam “Nhiều nước không dùng làm thực phẩm cho người. Họ làm bột thịt TĂCN cho thú cưng và cũng có nước dùng làm phân bón cho cây trồng”. |
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam
Bà Lưu Thị Thủy, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc Kiểm soát chặt chẽ mặt hàng nhập khẩu |
Nguồn: nguoichannuoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn