Ảnh minh hoạ
“Độc quyền”, ép giá
Ông Đinh Văn Trung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Du cho biết, trên địa bàn xã hiện có 150 hộ tham gia nuôi cá với 174 bè (tổng cộng 584 lồng). Hai loại cá chủ yếu được nuôi tại đây là bớp và mú.
“Hằng tháng, thương lái Trung Quốc đưa tàu đến đây, một mặt họ cung cấp cá giống, mặt khác họ thu mua cá thành phẩm”- ông Trung nói.
Ông Vũ Duy Dấn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nam Du, đồng thời là một hộ chuyên nuôi cá tại Nam Du cho biết vài năm trở lại đây, thương lái Trung Quốc đến Nam Du bằng tàu biển, mỗi lần cung cấp cả trăm nghìn con cá giống, đồng thời họ thu mua tất cả cá thành phẩm. Tàu Trung Quốc còn đi nhiều đảo khác trong vùng để cung cấp cá giống và thu mua cá thành phẩm.
Điều khiến ông Dấn cũng như những người nuôi cá tại đây lo ngại là tình trạng “hoàn toàn phụ thuộc thương lái Trung Quốc đầu ra lẫn đầu vào”. Vì phụ thuộc, người nuôi cá tại Nam Du đang bị thương lái Trung Quốc ép giá. Ông Dấn dẫn chứng, hiện tại giá cá giống thương lái cung cấp cho các hộ chăn nuôi vẫn không thay đổi, trong khi giá cá thành phẩm họ thu mua từ người nuôi giảm ít nhất 30.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá cá bớp bị giảm từ 160.000 đồng xuống còn 130.000 đồng/kg, cá mú đen từ 260.000 đồng xuống còn 230.000 đồng/kg. Giá này chỉ áp dụng đối với loại cá có trọng lượng từ 0,8 - 1,3 kg/con. Với cá lớn hơn mức này, giá giảm khoảng 70.000 đồng/kg. Riêng cá có trọng lượng từ 1,5 kg trở lên, dù có lớn cỡ nào cũng bị mua với giá 300.000 đồng/con.
Vấn đề ở chỗ, theo những hộ dân nuôi cá tại Nam Du, không phải lúc nào thương lái cũng đến thu mua kịp thời hoặc cùng lúc mua hết lượng cá đến tuổi xuất lồng của người dân. Chỉ cần để quá lứa một thời gian ngắn là người nuôi cá đã bị thiệt hại nặng. “Biết là bị xử ép nhưng không bán cho thương lái Trung Quốc thì không biết bán cho ai”- ông Dấn than phiền.
Điêu đứng
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Nam Du, ông Nguyễn Thuận Hải cũng là một người có thâm niên nuôi cá lồng, cho biết, hoạt động nuôi cá lồng bè ở Nam Du có từ lâu nhưng nở rộ từ khoảng 7-8 năm trở lại đây. Do nuôi ồ ạt khiến nguồn nước ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh nên cá chết hàng loạt. “Mức độ hao hụt rất lớn, có khi chỉ còn chừng 30-40%”- ông Hải nói.
Ông Vũ Duy Dấn cũng như các hộ nuôi cá tại đây hết sức lo lắng khi cá chết hàng loạt. “Vừa rồi gia đình tôi thả 7.000 con cá mú giống nhưng đến nay chết hết 60%. Với mức hao hụt này, người nuôi cá chẳng những không lời một đồng, thậm chí lỗ nếu bị ép giá”- ông Dấn tính toán. Ông Dấn cũng cho rằng, nguyên nhân cá chết vì dịch bệnh, nguồn nước ô nhiễm trong khi người dân không biết cách chữa trị, xử lý. Nếu tình trạng này kéo dài, người nuôi cá đành phải “treo” lồng để tránh bị lỗ.
Bà Nguyễn Thị Gái- Phó chủ tịch UBND xã An Sơn (xã đảo nằm trong quần đảo Nam Du) cũng xác nhận, từ đầu năm 2015 đến nay, do tình hình thời tiết xấu khiến các bè cá nuôi bị thiệt hại nặng và người dân không đầu tư phát triển thêm bè mới, chỉ giữ lại những bè cá hiện hữu và chỉ nuôi cầm chừng.
Những người dân nuôi cá cho biết, vốn liếng đầu tư cho việc nuôi cá không nhỏ. Riêng chi phí đóng bè mất ít nhất 80 triệu đồng/bè. Ngoài ra, chưa kể chi phí cá giống, thức ăn, thuốc men… Vì vậy, chỉ cần một mùa nuôi thất bại là người dân đã đủ điêu đứng, thậm chí trắng tay.
Không cho thương lái rời cảng nếu nợ tiền dân
Ông Lê Hoàng Khải – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, việc thương lái Trung Quốc vào thu mua hải sản (cá nuôi bè) tại vùng biển Kiên Giang là có sự cho phép của UBND tỉnh Kiên Giang và Tổng cục Thủy sản. “Việc ép giá thu mua, hay cung cấp con giống Chi cục sẽ cho người kiểm tra”- ông Khải nói.
Thượng tá Lê Trung Dũng – Đồn trưởng biên phòng cửa khẩu Cảng Hòn Chông cũng cho biết, thương lái Trung Quốc được phép ra tận bè cá của dân để thu mua. “Tuy nhiên, nếu thương lái Trung Quốc còn nợ tiền cá của dân thì tuyệt đối không làm thủ tục cho rời cảng” - thượng tá Dũng nói.
Hồng Lĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn