Nông nghiệp xuất siêu hơn 4 tỷ USD
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 7 tháng của năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 20,45 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2016, đưa con số xuất siêu ngành nông nghiệp đạt 4,03 tỷ USD.
Trong đó, ngành hàng rau quả tăng trưởng hơn 50%, thủy sản tăng 17,5%, gạo tăng 15,7% với 1,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt 4,41 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016.
. |
Đóng góp đáng kể giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản thời gian qua là mặt hàng tôm.
Cụ thể, sau khi sụt giảm trong quý đầu năm, chỉ tính riêng quý II, xuất khẩu tôm đã tăng 28,2%, đạt 938,9 triệu USD. 7 tháng của năm 2017, xuất khẩu tôm đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Mặt hàng cá tra ghi nhận mức tăng 6% trong nửa đầu năm 2017, đã mang về gần 1 tỷ USD trong 7 tháng. Tương tự, cá ngừ cũng mang về 316 triệu USD, tăng 18,9%, các loại cá khác mang về 702 triệu USD, tăng gần 15%...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, đây là mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh nhiều ngành hàng bị các rào cản thương mại. 5 tháng còn lại, công tác tìm kiếm thị trường cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để ngành nông nghiệp về đích với chỉ tiêu tăng trưởng 3,05%.
Tất nhiên, chặng đường thực hiện các chỉ tiêu xuất khẩu không hề dễ dàng, do nhiều vấn đề lớn vẫn đang bủa vây ngành nông nghiệp, điển hình là thiên tai, bão lụt, cộng với các rào cản thương mại được dựng lên từ Mỹ - thị trường xuất khẩu chính với tôm, cá da trơn của Việt Nam, khi từ đầu tháng 8/2017, 100% lô hàng cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải qua kiểm tra, làm gia tăng chi phí kiểm hàng, lưu kho.
Rau quả, thủy sản là điểm tựa
Tại Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối diễn ra ngày 7 - 8/8 vừa qua, đại diện Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T Group cho biết, Công ty đã làm việc với Sở Công thương tỉnh Sơn La để đưa nhãn Tây Bắc sang thị trường Mỹ.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho hay, 7 tháng của năm 2017, T&T đã thu về 8 triệu USD từ xuất khẩu trái cây các loại, trong đó có nhiều sản phẩm lần đầu tiên có đơn hàng là dừa, sầu riêng…, mở đường rộng hơn cho các loại trái cây này sang nhiều thị trường mới và tăng giá trị xuất khẩu.
Đặt mục tiêu 3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp dự báo rằng, nhiều khả năng xuất khẩu cả năm sẽ đạt 3,5 - 3,6 tỷ USD, do đơn hàng từ nay đến hết năm khá dồi dào.
Trước khó khăn về xuất khẩu cá tra do Mỹ dựng rào cản thương mại, nhưng các doanh nghiệp đang bằng mọi cách để đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hùng Vương cho biết, mẫu mã bên ngoài như thế nào thì bên trong phải y như vậy, chẳng hạn, thành phần nước trong cá là bao nhiêu, phải ghi rõ thông tin trên bao bì. Ngoài kiểm tra hành chính, tới đây Mỹ còn kiểm tra vùng nuôi của Việt Nam để xác nhận tính tương đồng, mục đích chính là nâng cao chất lượng xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ, do đó, vấn đề chính của ngành cá tra hiện nay là phải thay đổi theo hướng sản xuất sạch.
Hết quý II/2017, xuất khẩu cá tra vào Mỹ đạt hơn 176 triệu USD, giảm gần 6% so với cùng kỳ. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Mỹ vẫn là thị trường lớn và là thị trường có giá xuất khẩu tốt, nên bằng mọi cách, doanh nghiệp thủy sản phải giữ được thị trường này.
Theo tính toán, nếu về đích đúng dự báo, chỉ riêng thủy sản và rau quả có thể góp tới hơn 11 tỷ USD xuất khẩu ngành nông nghiệp. Trong đó, thủy sản đạt 8 tỷ USD, còn lại là rau quả.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn