Ông Nguyễn Hữu Dũng.
TBKTSG: Thưa ông, tình trạng thủy sản xuất khẩu bị trả về gần đây có xu hướng tăng cao đột biến so với mọi năm, theo ông nguyên nhân là gì?
- Ông Nguyễn Hữu Dũng: Về nguyên nhân khách quan, năm nay thời tiết không thuận lợi. Hiện tượng El Niño gây bất lợi cho việc nuôi thủy sản, tôm cá bị nhiễm bệnh nhiều hơn khiến người nông dân dùng nhiều thuốc để chữa bệnh cho thủy sản hơn. Bên cạnh đó, khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào thương mại thế giới, đặc biệt là việc ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), có thuận lợi về ưu đãi thuế nhập khẩu nhưng có bất lợi là các nước sẽ đưa ra nhiều hàng rào phi thuế quan hơn về kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật... khiến hàng thủy sản của ta khó lọt qua những hàng rào này.
Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác như người tiêu dùng ngày càng khó tính; các đối thủ cạnh tranh đưa nhiều đoạn video lên Internet như một vũ khí hữu hiệu bôi xấu hình ảnh của ngành thủy sản Việt Nam...
TBKTSG: Vậy còn nguyên nhân chủ quan, thưa ông?
- Ngành thủy sản Việt Nam đã có giai đoạn phát triển nóng trong chục năm trở lại đây và bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, nó đã tạo ra nhiều hệ lụy và sự phát triển khập khiễng giữa các khâu chính trong chuỗi giá trị thủy sản: nuôi trồng, vận chuyển - bảo quản, chế biến - xuất khẩu.
Về khâu nuôi trồng, ngoài cá tra hầu hết các mặt hàng thủy sản còn lại chủ yếu nuôi theo phương thức sản xuất manh mún. Ví dụ tôm, 90% nguồn nguyên liệu là từ các hộ nông dân nhỏ lẻ. Đây là khâu có nguy cơ nhất trong chuỗi giá trị vì nuôi thủy sản rất rủi ro về dịch bệnh, khi có bệnh là nông dân dùng thuốc, thuốc này không được thì thuốc khác.
Khâu thứ hai là bảo quản - vận chuyển. Đây cũng là khâu mà thương lái có thể sử dụng hóa chất để ướp cho nguyên liệu được tươi, ngon, nhìn bắt mắt và là khâu có nguy cơ cao khiến dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt mức cho phép.
Khâu chế biến xuất khẩu có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm thấp nhất vì không đời nào doanh nghiệp bỏ hóa chất vào để hàng bị trả về, gây thiệt hại về kinh tế và uy tín cho họ. Song, cơ quan quản lý, cụ thể là Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại không quản lý khâu có nguy cơ cao nhất sử dụng kháng sinh, hóa chất là nuôi trồng, bảo quản và vận chuyển mà chỉ quản lý chặt khâu cuối này nên khi hàng bị trả về, doanh nghiệp là đơn vị chịu nhiều thiệt hại và tai tiếng nhất.
TBKTSG: Vậy tại sao doanh nghiệp không sàng lọc nguyên liệu thủy sản ngay từ khâu mua vào, thưa ông?
- Mỗi doanh nghiệp chế biến thủy sản đều có phòng thí nghiệm sản xuất riêng, nhưng những phòng này chỉ kiểm tra được một số chỉ tiêu. Hơn nữa, việc kiểm tra hóa chất, kháng sinh mất từ 2-3 ngày nên doanh nghiệp không thể chờ đến lúc đó mới quyết định có mua nguyên liệu hay không. Ngoài ra, đa số các nhà máy đều thiếu nguyên liệu chế biến nên dù có hay không có hóa chất họ vẫn phải mua để vận hành nhà máy và để công nhân có việc làm.
TBKTSG: Như ông đã nói, Nafiqad quản lý chặt khâu cuối, là khâu chế biến xuất khẩu, vậy tại sao vẫn để lọt các lô hàng không đủ tiêu chuẩn sang các nước?
- Thực tế, quy trình quản lý hàng xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có vấn đề. Ví dụ khi xuất đi EU, Nafiqad kiểm tra cả quá trình sản xuất chế biến, từ nguyên liệu đầu vào nhà máy, đến chế biến, đóng gói và xuất khẩu, nếu đạt yêu cầu, doanh nghiệp sẽ được cấp code xuất khẩu đi châu Âu. Trong quá trình chế biến, đóng gói sản phẩm xuất khẩu, Nafiqad lại lấy mẫu ngẫu nhiên trên từng lô hàng theo tỷ lệ quy định và nếu lô hàng đạt chất lượng, Nafiqad sẽ cấp cho một chứng thư an toàn vệ sinh thực phẩm (health certificate) để doanh nghiệp được xuất khẩu.
Nhưng cái oái ăm ở đây là mặc dù kiểm tra chặt như vậy, doanh nghiệp là người chịu chi phí kiểm tra từ đầu tới cuối khi xuất khẩu lô hàng, nhưng chứng thư của Nafiqad lại quy định rõ họ chỉ chịu trách nhiệm với mẫu họ kiểm tra. Như vậy, nếu lô hàng bị trả về, Nafiqad hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm gì. Đây là quy định hoàn toàn vô lý, một quy định bất cập mà cộng đồng doanh nghiệp đã đấu tranh với Nafiqad để thay đổi nhiều năm nay.
TBKTSG: Vậy các nước quy định ra sao về vấn đề này, thưa ông?
- Tôi lấy ví dụ như ở Mỹ, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) chỉ có một phòng thí nghiệm để kiểm chứng duy nhất tại Denver và chỉ kiểm nghiệm khi có tranh chấp và nảy sinh nhu cầu tái kiểm chứng. Mẫu của các lô hàng xuất nhập khẩu thông thường được kiểm tra tại các phòng thí nghiệm tư nhân độc lập đã được FDA cấp giấy phép. Nếu lô hàng xuất đi và bị trả về thì phòng kiểm nghiệm tư nhân chịu trách nhiệm về thiệt hại cho doanh nghiệp. Làm như vậy bộ máy của FDA vừa đỡ cồng kềnh, và đỡ tốn kém cho doanh nghiệp và có người chịu trách nhiệm về kết quả kiểm lô hàng.
Trong khi tại Việt Nam, Nafiqad có sáu phòng kiểm nghiệm, xét về trang thiết bị có thể kém những phòng kiểm nghiệm tư nhân độc lập khác, nhưng lô hàng của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chỉ có thể được kiểm nghiệm ở những phòng kiểm nghiệm tư nhân khi Nafiqad yêu cầu. Hơn nữa, các doanh nghiệp không thể hợp đồng với sáu phòng kiểm nghiệm của Nafiqad là nếu hàng bị trả về thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm vì họ là cơ quan công quyền.
TBKTSG: Vậy theo ông làm thế nào để giảm tỷ lệ hàng thủy sản xuất khẩu bị trả về, thưa ông?
- Việc đầu tiên là nên cổ phần hóa sáu phòng kiểm nghiệm của Nafiqad và hành nghề kiểm nghiệm giống và bình đẳng như các phòng kiểm nghiệm tư nhân độc lập đủ điều kiện. Làm như vậy, doanh nghiệp vừa giảm chi phí mà khi có rắc rối xảy ra thì doanh nghiệp được đền bù thiệt hại.
Bên cạnh đó, thay vì chỉ kiểm tra khâu sản phẩm cuối cùng của chế biến xuất khẩu, cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý chặt khâu sản xuất (nuôi trồng, khai thác) và bảo quản - vận chuyển nguyên liệu, điều này đúng với nguyên lý HACCP (Hazard Analysis Critical Control Point) mà các nước đã áp dụng từ những năm 1980, tức là kiểm soát mối nguy tại các điểm tới hạn nguy cơ cao nhất trong chuỗi giá trị. Như vậy mới có thể quản lý tận gốc vấn đề.
Trong chín tháng đầu năm 2015, số lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm là 165 lô, tăng sáu lô hàng so với cả năm 2014; còn số lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định hóa chất, kháng sinh là 78, tăng 10 lô so với cả năm 2014. Theo đó, xuất khẩu thủy sản qua ba thị trường lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Nhật và EU đều có những lô hàng bị cảnh báo. Cụ thể, thị trường Mỹ, theo báo cáo của Nafiqad, trong chín tháng đầu năm nay đã có 35 lô hàng bị cảnh báo vị phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, tăng sáu lần so với năm 2014; còn thị trường Nhật là 27 lô hàng, trong đó chủ yếu là liên quan đến kháng sinh cấm sử dụng và kháng sinh hạn chế sử dụng. Thị trường EU cũng phát hiện 27 lô hàng, chiếm tỷ lệ lớn nhất là nhiễm vi sinh với 18 lô hàng, tương đương gần 67% lô hàng bị cảnh báo. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn