Theo số liệu thống kê, tổng đàn heo của Ðồng Nai hiện có khoảng 1,7 triệu con, giảm 16,3% so tháng 1/2017. Chăn nuôi trang trại chiếm 69% với 1.697 trang trại, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 31% tổng đàn. Tổng đàn gà khoảng 18,6 triệu con, chăn nuôi trang trại chiếm 87,56% với 470 trang trại, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 13,44% với hơn 25.000 hộ nuôi. Các loại gia súc gia cầm khác như trâu bò 70.000 con; Ðàn vịt, ngan, ngỗng khoảng 1,5 triệu con; Ðàn cút có tới 13 triệu con.
Hiện, Ðồng Nai cũng quy hoạch được 139 vùng phát triển chăn nuôi với tổng diện tích 15.722,7 ha. Ðã có 596 trang trại nằm trong vùng quy hoạch, 36 điểm giết mổ (21 cơ sở giết mổ tập trung và 15 cơ sở giết mổ vệ tinh). Hệ thống lò mổ có hệ thống cấp đông với công suất 123 tấn, gồm Công ty Hà Sơn 50 tấn, Công ty Minh Giang 20 tấn, Cơ sở Quốc Huân 50 tấn và Cơ sở Dũng Lan 3 tấn.
Hầu hết các cơ sở đều áp dụng chăn nuôi an toàn và thực hiện quy trình VietGAHP. Tính đến nay đã có 483 trang trại chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, trong đó có 252 cơ sở chăn nuôi gà, 219 cơ sở chăn nuôi heo. Có 54 trang trại chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận theo VietGAHP, trong đó có 24 trang trại chăn nuôi gà, 29 trang trại nuôi heo và 1 trang trại nuôi bò.
Toàn tỉnh hiện đã thiết lập được 12 chuỗi tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn, gồm: 4 chuỗi trứng gà; 3 chuỗi thịt gà; Chuỗi thịt heo truy xuất nguồn gốc vào TP. Hồ Chí Minh; Chuỗi Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Anh Hoàng Thy; Chuỗi Công ty MTV Thực phẩm Anh Hào Phát; Chuỗi Công ty TNHH SXTM DVThanh Danh; Chuỗi thịt heo an toàn thực phẩm. Sản phẩm chăn nuôi của Ðồng Nai chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, khu vực TP. Hồ Chí Minh, một số địa phương trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Như vậy thời gian qua, Ðồng Nai đã triển khai tương đối tốt công tác tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, qua đó rút ra những bài học quý giá về quản lý chăn nuôi, biết được những khó khăn, tồn tại, tìm ra phương hướng giải quyết trong thời gian tới. Việc quy hoạch và cơ cấu lại ngành, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm là nhiệm vụ không thể tách rời để đưa ngành chăn nuôi phát triển.
Hiểu rõ những điểm mạnh, điểm yếu của ngành chăn nuôi tỉnh, những bài học thị trường từ khủng hoảng thịt heo… thời gian tới, Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để đưa ngành chăn nuôi thoát khỏi tình trạng “giải cứu”.
Theo đó, Ðồng Nai sẽ tiếp tục tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Nâng cao chất lượng con giống tăng năng suất và đổi mới, vận dụng quy trình công nghệ tiên tiến đảm bảo vệ sinh môi trường. Áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt được Bộ NN&PTNT ban hành. Ðẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung an toàn, giảm giá thành sản phẩm; Xây dựng chuỗi sản phẩm ngành hàng trên địa bàn tỉnh, xây dựng thương hiệu cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu; Ðẩy mạnh hơn nữa kết nối xây dựng thành công hệ thống chuỗi khép kín đã được xây dựng trong năm qua về sản xuất giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm bỏ qua khâu thương lái. Hoàn thiện các khâu trong quá trình vận chuyển bảo quản sản phẩm an toàn và hợp vệ sinh; Xây dựng kênh thông tin, tuyên truyền đến người chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức, tập quán chăn nuôi tạo sản phẩm sạch an toàn, tẩy chay thực phẩm bẩn, nói không với chất cấm. Ðồng thời tăng cường công tác tuyên truyền vận động, khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung trang trại và chăn nuôi nông hộ theo VietGAHP thông qua thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra và thanh tra đem sản phẩm có chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn