Theo Tổng Cục Thủy sản, một trong những bất lợi của tôm Việt là giá thành luôn cao hơn các nước. Điều này được Tổng Cục Thủy sản chỉ rõ, do thức ăn nuôi tôm chiếm đến 65-70% giá thành của sản phẩm; con giống cũng cao hơn do phải nhập tôm bố mẹ; công nghệ chưa cải tiến, vùng nuôi thiếu điện…
Đồng tình với điều này, ông Phạm Hoàng Giang - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bạc Liêu - bổ sung thêm, “việc tăng diện tích NTTS trong điều kiện hạ tầng chưa đảm bảo dẫn tới môi trường nước trong NTTS ngày càng suy giảm và có nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới. Việc quản lý dịch bệnh, có lúc, có nơi thiếu quan tâm”.
Tại Trà Vinh, mô hình nuôi tôm thẻ hai giai đoạn khả năng đem đến lợi nhuận trên 300 triệu đồng/ha/vụ nuôi. Tuy nhiên, các mô hình nuôi tôm được cho là “siêu thâm canh” không phù hợp với đa số người nuôi tôm vùng ĐBSCL.
Nguyên nhân do vốn đầu tư rất cao, đa số người dân không đủ tiền đầu tư. Chính vì vậy, cả vùng ĐBSCL có đến gần 1 triệu hécta mặt nước NTST, nhưng diện tích nuôi theo mô hình thâm canh, bán thâm canh chiếm chưa tới 10%.
Các đại biểu cho rằng, cần phải quyết tâm hạ giá thành sản phẩm mới “cứu” được ngành tôm Việt.
Theo laodong.vn