Bán chéo sản phẩm dịch vụ đang được xem là con đường ngắn nhất để các ngân hàng
tìm kiếm tăng trưởng từ tín dụng bán lẻ
Cuộc đua phát triển ngân hàng bán lẻ đã thực sự sôi động nhiều năm nay ở Hà Tĩnh. Nhất là vào thời điểm kinh tế địa phương với xu thế gia tăng dịch vụ - thương mại đã kéo theo các chỉ số tiêu dùng của người dân tăng lên. Điều này quay trở lại tác động một cách tích cực vào thị trường tín dụng.
Kể từ đầu năm nay, dư nợ theo loại hình cá nhân liên tục tăng đều và đạt gần 36.000 tỷ đồng, tăng gần 21 tỷ đồng so với thời điểm kết thúc năm 2018. Con số này cũng ở mức tăng hơn so với cùng kỳ các năm trước trên 30 tỷ đồng và chiếm tỷ lệ 75% tổng dư nợ toàn tỉnh. Trong đó, mục đích vay vốn phần nhiều sử dụng vào tiêu dùng như làm nhà, mua xe ô tô, mua sắm…
Điều quan trọng, tín dụng bán lẻ nằm ở phân khúc lãi suất không hề rẻ (bình quân từ 9%- 12%), vì thế, lợi nhuận của ngân hàng cũng tỷ lệ thuận với việc gia tăng tăng trưởng tín dụng khối này.
Thị trường tiêu dùng phát triển đã kích thích mảng tín dụng tiêu dùng tăng trưởng tích cực
Ông Phan Viết Phong - Giám đốc Vietcombank Hà Tĩnh (VCB Hà Tĩnh) chia sẻ: “Vietcombank Hà Tĩnh đầu tư mạnh mẽ cho dịch vụ ngân hàng, tạo cầu nối với khách hàng nhằm khai thác tốt nhất thị trường tín dụng cá nhân đầy tiềm năng. Hiện nay, tín dụng bán lẻ chiếm 50% dư nợ của chi nhánh”.
Chỉ tính đến kết thúc quý II/2019, tín dụng bán lẻ của VCB Hà Tĩnh đạt trên 3100 tỷ đồng và hoàn thành 91,3% kế hoạch của năm 2019. Chi nhánh cũng phát triển thêm được 10.848 khách hàng cá nhân mới, đạt 146,6% kế hoạch trung ương giao. Theo thông tin bước đầu, lợi nhuận của chi nhánh ngân hàng này có khả năng sẽ tăng 4 lần vào cuối năm nay.
Khách hàng là người được hưởng lợi từ những chính sách bán lẻ của ngân hàng
Ở thị trường Hà Tĩnh, ngoài 4 ngân hàng lớn (Vietcombank, Agribank, BIDV và Vietinbank) thì một số ngân hàng như ACB, Sacombank, HDBank cũng có tỷ trọng dư nợ cá nhân chiếm chủ yếu trong tổng dư nợ.
Xu hướng tiêu dùng của khách hàng dần thay đổi, hướng đến sự tiện ích và thuận lợi. Vì thế, phát hành thẻ tín dụng được đánh giá là thị trường “màu mỡ” nhất của các ngân hàng. Khách hàng được phép “tiêu trước trả sau” qua dịch vụ thấu chi thẻ ngân hàng, khách hàng sẽ được miễn lãi trong vòng 45 - 55 ngày. Ngoài ra, sản phẩm tích hợp với các dịch vụ tiêu dùng khác, đưa lại nhiều lợi ích cho khách hàng.
Thẻ tín dụng được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng của ngân hàng ở Hà Tĩnh
Chị Nguyễn Thị Hoài (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Thẻ tín dụng tạo sự chủ động cho người tiêu dùng. Tôi có thể chi tiêu khi cần thiết và hoàn trả lại tiền cho ngân hàng trước hạn định thì rất có lợi. Nó như chiếc ví của người tiêu dùng vậy”.
Theo các ngân hàng, mặc dù thị trường Hà Tĩnh gặp khó vì các điểm chấp nhận thẻ hạn chế, thói quen tiêu dùng qua thẻ tín dụng chưa phổ biến ở người dân, song đây chính là cơ hội để các ngân hàng giành được thị phần của mình. Trong đó, chính sự tăng trưởng cao lĩnh vực dịch vụ - thương mại đã “kích thích” các ngân hàng mở rộng mạng lưới.
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn