Ảnh minh họa
Thường vào cuối năm tăng trưởng tín dụng (TTTD) bao giờ cũng tăng tốc mạnh. Điệp khúc này đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay. Đơn cử như số liệu thống kê năm 2013 cho thấy, nếu như ba quý đầu, tín dụng chỉ tăng hơn 8% nhưng chỉ trong quý IV/2013, tín dụng đã tăng gần 4% để về đích ở mức 12,51%. Tương tự, trong năm 2014, đến cuối tháng 8, TTTD toàn hệ thống các TCTD chỉ đạt 4,5%, nhưng kết thúc năm 2014 tín dụng tăng 14,16%.
Năm nay, ngay từ đầu năm NHNN đã đưa ra định hướng TTTD cả năm khoảng từ 13-15%. Tuy nhiên, với diễn biến nền kinh tế hồi phục, nhu cầu vay vốn của DN, người dân tăng và để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm nay là 6,2%, NHNN đã phát đi thông điệp mục tiêu TTTD có thể ở con số 17%. Tính đến hết tháng 8, TTTD đã ở mức 10,23%.
Đây là mức tăng tốt nhất trong vòng 5 năm qua - giai đoạn Chính phủ điều hành với mục tiêu hàng đầu ổn định vĩ mô, tăng trưởng ở mức hợp lý. Và đa số các phân tích cho rằng, nếu với “phong độ” TTTD như hiện nay và với chu kỳ cầu vốn thường tăng mạnh vào cuối năm thì mục tiêu TTTD năm nay, kể cả mức 17% cũng có thể về đích.
Trước đó, sau sơ kết 6 tháng đầu năm, dựa trên năng lực của từng TCTD, NHNN cũng đã duyệt tăng chỉ tiêu tín dụng cho một số đơn vị để đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế phù hợp.
Nếu như yên tâm về mục tiêu TTTD thì một câu hỏi nữa được quan tâm là những tháng cuối năm tín dụng sẽ chảy vào đâu? Trên thực tế, như mọi năm, bên cạnh đẩy mạnh các lĩnh vực ưu tiên thì diễn biến tín dụng năm nay cũng có chuyển biến khác.
Trong 5 lĩnh vực được ưu tiên, năm nay Chính phủ chỉ đạo tập trung hơn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt cũng nằm trong lĩnh vực cho vay ưu tiên có sự tiếp sức của Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP) đang được UBND các tỉnh triển khai rầm rộ với kỳ vọng cung ứng vốn cho lĩnh vực này nhiều hơn và đi liền với chất lượng, hiệu quả.
Số liệu thống kê tại một số địa phương cho thấy, tín dụng tam nông chiếm tỷ trọng lớn. Theo thống kê 7 tháng tại tỉnh Lâm Đồng, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh dự kiến đạt 19.800 tỷ đồng, chiếm 53,5% tổng dư nợ; Yên Bái đến hết tháng 7/2015 tín dụng nông nghiệp cũng đạt 6.285 tỷ đồng tăng 4,61% so với thực hiện năm 2014 và chiếm gần 60% so với tổng dư nợ… Chính vì vậy, trong những tháng cuối năm, tín dụng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, năm nay tín dụng cũng đẩy mạnh cho vay với DNNVV khi hàng loạt nhà băng đưa ra các gói cho vay với lãi suất hấp dẫn. Đơn cử, SHB tiếp tục dành thêm 10.000 tỷ đồng cho chương trình “Ưu đãi lãi cho vay ngắn hạn - Đồng hành cùng DN” để hỗ trợ phát triển cho các DN, đặc biệt là các DNNVV. Khách hàng vay vốn được hưởng ngay những lợi ích như lãi suất từ 6,8%/năm cố định trong 3 tháng đầu tiên hoặc từ 7,3%/năm cố định trong 6 tháng đầu tiên.
ABBank cũng dành 1.000 tỷ đồng cho các khách hàng DN vay trung và dài hạn với lãi suất từ 7,5%/năm, trong đó ưu tiên các DN thuộc 5 nhóm ngành ưu tiên là sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực phát triển nông nghiệp – nông thôn, công nghệ cao.
Thị trường bất động sản khởi sắc với thanh khoản tốt hơn, tuy nhiên, giới chuyên gia lại cho rằng những tháng cuối năm nay, tín dụng với lĩnh vực bất động sản được dự báo là tăng không nhiều.
Theo phân tích của các chuyên gia, mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống NH về mức dưới 3% mà NHNN đã đặt ra phải đạt được. Chính vì vậy nhiều NH đã giảm cho vay những ngành nghề rủi ro cao, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Ngay cả gói cho vay mua nhà để ở hoặc sửa chữa nhà cũng không được nhiều NH khuyến khích, dù trước đây là mảng tín dụng mang lại lợi nhuận cao cho NH.
Chí Kiên
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn