Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm cơ sở sản xuất tôm giống thương phẩm tại thị trấn Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Ảnh: TL
Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, chúng ta còn có cơ hội biến thách thức thành lợi thế, nhất là đồng bằng sông Cửu Long khi nước biển dâng, khi hạn mặn thì chúng ta sẽ chuyển một bộ phận từ lúa sang thủy sản, trong đó có con 7 tỷ người ăn là con tôm.
Với khẩu hiệu “Nâng tầm tôm Việt”, những năm qua, Tập đoàn Sản xuất tôm hàng đầu Việt - Úc đã đầu tư bài bản vào sản xuất giống cũng như tôm thương phẩm theo mô hình thâm canh, năng suất và hiệu quả cao. Đây cũng là mục tiêu chung cho cả ngành tôm Việt Nam.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc Đặng Quốc Tuấn, Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng ASEAN với 600 triệu dân, nên giờ con tôm không phải cho 90 triệu người trong nước ăn, mà cho cả 600 triệu người. Rồi Việt Nam đã tham gia tới 15 hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt, nếu tham gia TPP, nghiễm nhiên Việt Nam sẽ “loại” được 2 đối thủ lớn là Ấn Độ và Indonesia do 2 nước này không được tham gia hiệp định.
“Chúng tôi rất mong Bình Thuận hoặc một nơi nào đó trên đất nước mình có một vị trí quy hoạch đặc biệt như ở đảo hoặc vùng cách xa vùng nuôi tôm tập trung để anh em sẵn sàng đầu tư, nghiên cứu và phát triển tôm bố mẹ. Anh em rất khao khát việc đó”, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.
Song, theo ông Tuấn, để nâng tầm được tôm Việt thì thứ nhất nâng cao giá trị gia tăng, làm sao đảm bảo giá trị tăng liên tục, mà muốn làm như vậy chúng ta phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực cho ngành tôm. Một trong những khâu then chốt để tăng chất cho ngành tôm, đó chính là giống.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận Nguyễn Hoàng Anh, thực tế cho thấy chất lượng con giống quyết định 70% sự thành công của người nuôi tôm thịt nên chất lượng con giống rất quan trọng đối với nghề nuôi tôm ở Việt Nam.
Tuy nhiên, phần lớn giống tôm bố mẹ ở Việt Nam đều được nhập khẩu từ Mỹ, Singapore, Thái Lan và Mexico trong khi giống tôm sú thì khai thác ngoài tự nhiên.
Trong những năm qua, việc nghiên cứu tôm thẻ chân trắng trong nước đang có nhiều triển vọng khi cuối năm 2015, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản đã nghiên cứu được 4 đàn tôm có chất lượng tốt làm vật liệu cho việc phát triển tôm thẻ chân trắng bố mẹ trong nước. Tập đoàn Việt - Úc đã sản xuất được 5.000 - 10.000 tôm bố mẹ thẻ chân trắng, có thể đáp ứng được 50 - 55% nhu cầu giống của Tập đoàn.
Công nhân một cơ sở sản xuất tôm giống đang kiểm tra chất lượng tôm 3 ngày tuổi. Ảnh: TL
Tính đến nay, cả nước đã sản xuất được hơn 57 tỷ con giống, trong đó tôm thẻ chân trắng đạt gần 40 tỷ và tôm sú đạt hơn 15 tỷ con trong khi nhu cầu tôm giống khoảng 130 tỷ con, mỗi năm cả nước cần khoảng 230 nghìn con tôm bố mẹ sản giống. Các tỉnh Nam Trung bộ là Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận là khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của cả nước. Mỗi năm khu vực này đáp ứng khoảng 50% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu thả nuôi của cả nước.
Về vấn đề giống nuôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III Nguyễn Hữu Ninh cho biết, tôm bố mẹ thẻ chân trắng nhập khẩu từ nước ngoài về được nuôi trong điều kiện tối ưu về nhiệt độ, độ mặn nên khi về Việt Nam nuôi với điều kiện dao động nhiệt độ, độ mặn cao, môi trường thay đổi nên khả năng sống sót thấp, khoảng 30 - 75%. Đây là một rủi ro lớn đối với người nuôi trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Để khắc phục điều này, trong những năm qua Viện đã nhập khẩu đàn giống bố mẹ ở các nước về và tiến hành lai tạo, chọn lựa ra đàn tôm bố mẹ thích ứng với điều kiện của vùng nuôi. Kết quả đối chứng với giống tôm nhập khẩu về cho thấy, đàn tôm thẻ chân trắng bố mẹ chọn tạo trong nước tốt hơn khi tỷ lệ sống sót cao hơn và năng suất tăng khoảng 5 - 7%.
Trong khi đó, ông Trần Công Bình, Giám đốc Công ty Giống Châu Phi thì cho rằng, hiện nay chúng ta mới tập trung nghiên cứu tôm bố mẹ thẻ chân trắng sạch bệnh, tăng trưởng cao để nuôi thâm canh trong khi tôm kháng bệnh, tăng trưởng nhanh để nuôi quảng canh chưa được chú ý nhiều. Trong khi diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến đang chiếm phần lớn diện tích nuôi tôm sú ở Việt Nam, vào khoảng gần 600.000ha hiện năng suất mới chỉ đạt 150 - 300kg/ha/năm. Còn tại Ecuado, với chương trình chọn tạo giống kháng bệnh dù quy mô không lớn, nhưng họ đã đạt năng suất nuôi khoảng 2.300 tấn/ha/năm.
Tính đến nay, cả nước đã sản xuất được hơn 57 tỷ con giống, trong đó tôm thẻ chân trắng đạt gần 40 tỷ và tôm sú đạt hơn 15 tỷ con. Ảnh: TL
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn, mà không giải được, thì sẽ thụt bị lùi. Đó là, nông nghiệp nước ta là một nền sản xuất nhỏ dựa trên 12 triệu hộ nông dân, mỗi hộ chỉ canh tác 0,3ha, các ngành truyền thống khác cũng vậy với bình quân của các đơn vị sản xuất rất thấp; thứ hai là biến đổi khí hậu toàn cầu; thứ ba là hội nhập sâu rộng, đến nay Việt Nam đã hội nhập 7 AFTA (hiệp định thương mại tự do), nhưng cơ hội đi của chúng ta đang bị thách thức do sản xuất còn manh mún, làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.
Do vậy, các địa phương, doanh nghiệp sản xuất tôm cần “sốc lại đội hình”, một mặt duy trì chiến lược, một mặt duy trì con thương mại tốt như hiện nay để ổn định cơ cấu thị phần, nhưng vẫn phải chuẩn bị cho một chiến lược cạnh tranh quyết liệt nay mai đang đặt ra mà mình đã có sẵn nền tảng. Bên cạnh đó, cần đưa tôm thành mặt hàng chiến lược quốc gia để có chính sách tạo động lực để phát triển thương hiệu tôm Việt Nam lớn mạnh trên thị trường thế giới.
Lê Nguyên
theo Thanh Tra
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn