Con tôm vượt vũ môn
Nhớ lại những tháng đầu năm, con tôm dường như chững lại. Cá biệt có thời điểm, có địa phương thụt lùi. Thời tiết cực đoan, nắng hạn kéo dài, độ mặn cao, tôm nuôi chậm phát triển, thậm chí có nơi mất trắng. Nơi khác, lũ cuốn ngập cả ao hồ nuôi thả, vùng thì môi trường bất ổn, khiến nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thiếu hụt, những tháng đầu năm, nhiều nhà máy chỉ vận hành 50-60% công suất.
Một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn các tỉnh trọng điểm về tôm chậm ký được hợp đồng. Biến động tỉ giá đồng Euro, đồng Yên Nhật giảm mạnh khiến hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này trở nên đắt đỏ. Với thị trường Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chịu áp lực từ thuế chống bán phá giá đối với tôm... Cạnh tranh về giá bán và chất lượng sản phẩm vẫn là thách thức thường trực.
Thông qua Hệ thống cảnh báo nhanh (RASFF) của Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm - Ủy ban Châu Âu đã nhận được thông tin về các lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó con tôm không ngoại lệ.
Thêm tín hiệu tích cực
Nhờ các giải pháp công nghệ như giống tôm thế hệ mới bố mẹ nhập ngoại đã thuần chủng môi trường định cư mới phát huy thế mạnh về tỉ lệ tăng trưởng hơn giống cũ từ 15-20%, khả năng sạch bệnh cao, kích cỡ cá thể lớn khoảng 20-30 con/kg.
Nhiều vùng chuyên canh lúa năng suất thấp ở các tỉnh ven biển... đồng loạt mở rộng mô hình sản xuất theo hướng một vụ lúa, một vụ tôm, cho thu nhập cao. Theo Viện Quản lý và Phát triển Châu Á (AMDI), mô hình lúa - tôm mang lại lợi nhuận cao hơn 1,5 lần so với lúa 2 vụ truyền thống. Mô hình này không sử dụng phân bón hóa học đã hạn chế ô nhiễm đồng ruộng, tránh độc tố gây hại quá trình phát triển của tôm. Tôm nuôi trong ruộng chủ yếu ăn thức ăn từ các nguồn thủy sinh, ít dịch bệnh và chất thải của tôm lại bón cho cây lúa, tiết kiệm chi phí đầu tư.
Mới đây, các cơ quan quản lý của Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp trong các vụ kiện về thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng đối với sản phẩm tôm của Việt Nam. Theo kết luận sơ bộ của DOC, CTCP thủy sản Minh Phú (Cà Mau) được biên độ phá giá bằng 0% và được đưa ra khỏi diện áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ. Một phần thuế chống bán phá giá mà công ty Minh Phú tạm nộp trong những năm trước đây sẽ được hoàn lại, dự kiến lên tới nhiều triệu USD. Động thái trên là dấu hiệu tốt trong bối cảnh 2 nước cùng tham gia TPP.
Chưa hết rào cản
Hàn Quốc vừa thông báo sẽ kiểm tra 10% lô hàng tôm nhập từ Việt Nam để xem trong mỗi con tôm có hóa chất kháng sinh hay không. Không chỉ Hàn Quốc, với thị trường Nhật Bản, tôm Việt Nam cũng thường xuyên bị xăm soi ngặt nghèo. EU đưa tôm vào danh mục kiểm tra kim loại nặng. Châu Đại Dương kiểm tra về độc tố sinh học và vi sinh... Họ vẫn cần tôm Việt Nam nhưng phải là sản phẩm chính hiệu, nên không phải ngẫu nhiên mà khách hàng gây khó dễ. Còn rào cản vô hình từ chính mình là giá thành tôm Việt Nam đang cao hơn các đối thủ chừng 20%. Việc khắc phục phải có thời gian và vì không chỉ riêng một khâu nào trong quy trình từ lúc thả tôm giống đến đưa chế phẩm lên tàu.
Liệu pháp nào?
Cơ hội để đàn tôm Việt bơi nhanh, bơi xa vào thương trường thế giới là hiện hữu khi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lần lượt có hiệu lực. Tuy vậy, phải quyết tâm hóa giải những trục trặc chủ quan, khắc phục những tác động khách quan. Tiếp tục cải thiện giống tôm. Chiêm nghiệm giống tốt quyết định tới 70%thành công. Những nỗ lực vừa qua cải thiện giống tôm là đáng ghi nhận nhưng chưa đủ. Phải biết ngọn ngành con tôm giống đầu vào theo hướng chuyển mạnh sang giống tôm có khả năng kháng bệnh thay vì tôm sạch bệnh. Những vùng tập trung nuôi tôm cũng phải có môi trường, phương cách khoa học cùng các điều kiện thuận tiện dễ dàng quản lý và phòng chống dịch bệnh.
Đổi mới nuôi trồng, cải tiến công nghệ, quy trình chế biến phải kiểm soát được dư lượng chất kháng sinh đảm bảo an toàn và vệ sinh sản phẩm với yêu cầu của thị trường khắc khe nhất. Cơ quan khoa học vào cuộc giúp việc quan trắc cảnh báo môi trường và xử lý chặn đứng phát sinh dịch bệnh.
Nguyễn Duy Nghĩa (Báo Lao Động)