Nghĩa Đàn có nhiều loại trái cây cho giá trị cao như bưởi, ổi, bơ… và luôn đắt hàng, đặc biệt mùa nắng nóng. Giống bơ Booth 7 và bơ sáp truyền thống được trồng chủ yếu ở các xã Nghĩa Phú, Nghĩa Bình, Nghĩa Sơn và cho hiệu quả kinh tế cao.
Chị Thanh, một tiểu thương ở chợ Nghĩa Hội cho biết: Từ đầu mùa đến giờ chị bán được khoảng 100kg bơ Booth và bơ sáp. Đây là một trong những loại trái cây dễ bán, có lợi nhuận cao; giá bơ Booth chị Tuyết mua lẻ trong thời điểm chính vụ khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg... Hiện giá các loại trái cây luôn đứng ở mức cao và dự báo sẽ tiếp tục sốt trong thời gian tới.
Nghĩa Đàn phát triển mạnh cây bơ. Ảnh: Minh Thái
Theo anh Mai Văn Thông nông dân trồng bơ ở Xóm Phú Lộc, xã Nghĩa Phú: mùa nắng nóng, bơ sáp và bơ Booth bán tại vườn khoảng 20.000 - 23.000 đồng/kg; trung bình khoảng 3 quả/kg, mỗi cây bơ cho thu nhập gần 1,5 triệu đồng. Tính ra mỗi ha bơ người nông dân sau khi trừ chi phí cho lãi 150 - 200 đồng/ha.
Cam Nghĩa Đàn được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Đức Anh
Ông Nguyễn Huy Anh - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cũng cho biết: “Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 35 ha bơ, hiện người dân đang mở rộng diện tích trồng xen canh bơ. Với mô hình này, trên 1 đơn vị diện tích người trồng có thể thu được nhiều sản phẩm, tăng thu nhập. Cây bơ đang mở ra triển vọng làm giàu mới cho người nông dân trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn".
Nghĩa Đàn còn có cam Vinh; ổi Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn; chuối Nghĩa Khánh, Nghĩa Lộc; bơ Nghĩa Phú và hầu hết đều tiêu thụ mạnh trong mùa này. Huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền phát triển các loại cây ăn quả có thế mạnh gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời tăng cường quảng bá nhằm giới thiệu các sản phẩm, thu hút đầu tư và tạo đầu ra thuận lợi cho người nông dân; thành lập các HTX cây ăn quả bao tiêu sản phẩm cho thành viên...
Ổi lê của ở Nghĩa Đàn được dán tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Đức Anh
Hiện nay các loại quả ở Nghĩa Đàn có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, nhưng huyện khuyến cáo bà con không tăng diện tích cây ăn quả ồ ạt dễ rơi vào tình trạng được mùa, mất giá.