Người dân không dám thu hoạch nhựa
Cây thông có khả năng chịu lạnh và phù hợp với địa hình đồi núi cao, vì thế đây là cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào các dân tộc khu vực miền núi của tỉnh Lạng Sơn. Loại thông được trồng ở đây chủ yếu là thông mã vĩ, hay còn gọi là thông đuôi ngựa, có khả năng cho nhựa tốt nhất trong các loại nhựa thông để cung ứng cho các ngành sản xuất công nghiệp điện tử như chất bảo ôn bảng mạch điện tử, chiết xuất tinh dầu thông làm keo dán hoặc xà phòng…
Người dân ở Lộc Bình khai thác nhựa thông. Ảnh: V.H
Ở huyện Lộc Bình, cây thông được trồng rất phổ biến, nhiều hộ có từ vài nghìn tới hàng chục nghìn cây thông. Những năm gần đây, sản phẩm nhựa thông được tiêu thụ mạnh với thị trường chủ yếu là Trung Quốc.
Cây thông từng là một trong những loại cây góp phần giúp người dân nông thôn của tỉnh Lạng Sơn thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhưng thời gian gần đây, giá nhựa thông liên tục giảm mạnh khiến người dân chỉ dám khai thác cầm chừng, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là đối với những hộ mua rừng về thuê người khai thác nhựa.
Chị Hoàng Thị Xuyên ở xã Sàn Viên (Lộc Bình) chia sẻ: “Đầu tháng 4, giá nhựa thông còn được 33.000 đồng/kg nên gia đình tôi đã bỏ ra hơn 300 triệu đồng để mua hơn 1,2 vạn cây thông của người dân, sau đó thuê hơn 10 công nhân khai thác trong 1 năm. Nhưng hiện nay, giá nhựa thông giảm chỉ còn 25.000 đồng/kg.
Trong khi đó, để có 1kg nhựa thông, tôi phải trả cho công nhân 13.000 đồng. Nếu giá cứ đà giảm như hiện nay, không biết đến cuối năm có kéo lại được vốn hay không đủ tiền trả nhân công nữa...”.
Theo ghi nhận, giá nhựa thông liên tục giảm thời gian gần đây, từ mức 38.000 đồng/kg (năm 2018) giảm xuống 32.000 đồng (đầu năm 2019), rồi đến nay chỉ còn 25.000 đồng/kg đã khiến nhiều nông dân trồng nhựa thông ở tỉnh Lạng Sơn rơi vào cảnh khó khăn do tiền thu vào không đủ chi phí dao cạo, túi nylong, bao đựng, thuê nhân công…
Không ít hộ dân đã quyết định chặt cây thông để bán gỗ dù cây thông vẫn còn cho nhựa hoặc chỉ khai thác cầm chừng; nhiều hộ mua bạt về cho nước vào để ngâm nhựa với hy vọng đến cuối năm, nhựa thông sẽ lên giá.
Tiêu thụ bấp bênh
Anh Hoàng văn Hóa ở xã Bằng Khánh (huyện Lộc Bình) cho hay: “Đã 3 năm nay, vợ chồng tôi nhận 2.500 cây thông để cạo nhựa chia đôi với chủ rừng. Như năm ngoái, trung bình 1 tháng thu hoạch được khoảng 900kg nhựa, với giá bán 38.000 đồng/kg, sau khi chia đôi với gia đình chủ rừng, vợ chồng tôi còn nhận được khoảng 8,5 triệu đồng/người/tháng. Nhưng năm nay, giá nhựa thông xuống chỉ còn 25.000 đồng/kg, sau khi chia, vợ chồng tôi mỗi người chỉ còn được khoảng 5,5 triệu đồng. Do cây thông cạo nhựa 3 năm rồi, phải trèo cao hơn nên làm từ sáng đến tối mịt mới xong, giá lại thấp, không tương xứng với công sức bỏ ra nên vợ chồng tôi đang tính tìm việc khác để làm, chứ thu nhập thế này không đủ chi tiêu”.
Cùng chung cảnh ngộ, gia đình anh Nguyễn Văn Tú ở xã Hòa Cư (huyện Cao Lộc) cho biết: “Cây thông phải đủ 15 năm tuổi mới được khai thác nhựa. Hiện gia đình có hơn 1.000 cây thông đang cho khai thác. Năm 2018, giá nhựa thông đạt gần 40.000 đồng/kg nên ai cũng phấn khởi, làm không nghỉ ngày nào. Còn với giá 25.000 đồng/kg như năm nay thì cách 1 ngày tôi mới đi cạo nhựa 1 lần, làm cầm chừng để cây không bị khô vỏ mà thôi”.
Thống kê từ Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn, toàn tỉnh hiện có khoảng 80.000ha cây thông, tập trung chủ yếu ở các huyện huyện như Đình Lập, Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng và Tràng Định. Hàng năm, sản lượng nhựa thông đạt 12.000 – 13.000 tấn/năm, đem lại nguồn thu hàng trăm tỉ đồng cho người dân, góp phần ổn định cuộc sống cho hàng vạn người dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, giá nhựa thông giảm xuống quá thấp, đầu ra lại bấp bênh nên đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của đồng bào.
Theo những đại lý thu mua nhựa thông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nguyên nhân tình trạng nhựa thông giảm giá do việc xuất khẩu nhựa thông trên địa bàn tỉnh đều qua đường tiểu ngạch, trong khi năm nay, thị trường Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ nên hàng hóa qua “cửa” này gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, do năm ngoái nhựa thông được giá nên nhiều hộ dân mở rộng diện tích khai thác nhựa mới, đồng thời lượng nhựa thông ở các tỉnh khác như Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang… cũng chuyển về Lạng Sơn nhiều, dẫn đến cung vượt cầu, khiến giá nhựa thông giảm hơn 10.000 đồng/kg so với năm ngoái.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lý Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết, tình trạng nhựa thông trên địa bàn giảm giá là có thật, tuy nhiên không phải giảm tới mức nghiêm trọng vì với giá bán như hiện nay, bà con vẫn có thu nhập. Tâm lí bà con nông dân nào cũng vậy, ai cũng muốn bán được giá cao hơn để thu lợi nhuận nhiều hơn. Tuy nhiên, do nhựa thông lâu nay chủ yếu xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên giá cả bấp bênh, tiêu thụ không ổn định cũng là chuyện dễ hiểu, nhất là trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đang siết chặt nhập khẩu các loại mặt hàng nông sản như hiện nay. P.V (ghi) |
Theo Hoàng Văn Hương/Danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn