Người chăn nuôi Trung Quốc có thể thu lợi nhuận lên đến 200 USD cho mỗi con lợn. Ảnh: Reuters.
"Tổng đàn lợn giảm 32,2% trong tháng 7, một năm sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm tả lợn Châu Phi", Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố hôm 16/8 nhưng không nêu số liệu cụ thể. Số lượng lợn nái giảm 31,9%. Tháng 6, tổng đàn và số lượng lợn nái giảm lần lượt 25,8% và 26,7%.
Virus tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở mọi tỉnh của Trung Quốc, một số nhà quan sát ước tính nền kinh tế số hai thế giới hiện mất tới nửa tổng đàn lợn. Sản lượng lợn giảm đẩy giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng vọt từ tháng 6. Theo số liệu từ công ty Shanghai JC Intelligence (JCI), giá thịt lợn ngày 19/8 là 24,6 nhân dân tệ (3,48 USD)/kg, vượt đỉnh 21 nhân dân tệ/kg hồi năm 2016.
Xu hướng trên được cho là bất thường bởi nhu cầu thịt lợn trong những tháng hè luôn thấp và giá bắt đầu tăng từ tháng 9, khởi đầu của mùa tiêu thụ mạnh.
“Mọi thứ diễn ra sớm hơn dự kiến”, Pan Chenjun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Rabobank, nói. “Tháng 8 vẫn là mùa thấp điểm nhưng giờ đây, ngày nào giá thịt lợn cũng tăng”.
Giá lợn tăng đặc biệt mạnh ở miền nam Trung Quốc, sau khi nơi này bị dịch tả lợn Châu Phi tàn phá. Sản lượng tại khu vực này vốn đã giảm sau khi chính quyền các tỉnh đóng cửa những trang trại nằm gần nguồn nước hoặc trung tâm dân cư nhằm cải thiện môi trường.
Tại tỉnh Quảng Đông, giá thịt lợn tăng lên 28 nhân dân tệ/kg, gấp đôi so với cuối tháng 5. Tại tỉnh Quảng Tây và Phúc Kiến, giá thịt lợn lần lượt là 26 nhân dân tệ/kg và 28 nhân dân tệ/kg.
Nhờ vậy, lợi nhuận trung bình trên mỗi đầu lợn là hơn 1.000 nhân dân tệ, cách không xa mức kỷ lục 1.135 nhân dân tệ trước đó, JCI cho biết. Lợi nhuận/đầu lợn ở Quảng Đông còn lên gần 1.700 nhân dân tệ.
Lợi nhuận cao, gấp nhiều lần so với nông dân ở châu Âu và Mỹ, khiến người chăn nuôi Trung Quốc muốn tái đàn và mở rộng quy mô, bất chấp thực tế dịch tả lợn Châu Phi vẫn chưa chấm dứt. Đây là dịch bệnh chết chóc đối với lợn, không ảnh hưởng đến con người nhưng chưa có vacxin hữu hiệu.
“Chúng tôi đang mở rộng, tương lai sẽ rất tốt”, Yin Pingan, giám đốc một công ty nông nghiệp nói với Reuters ngày 19/8. Công ty có 30.000 lợn nái và muốn xây thêm trang trại ở tỉnh Quảng Đông và Quý Châu. “Nếu không có rủi ro, làm sao giá bán có thể tốt như vậy được?”
Những người khác không có động lực để quay lại chăn nuôi. Nhiều người vẫn đang nợ ngập đầu vì lợn chết trong khi chưa nhận được trợ cấp từ chính phủ.
“Quá rủi ro”, nông dân họ Bành ở Quảng Đông nói. Ông đã bán toàn bộ 10.000 con lợn trong tháng 6 sau khi có vài con nhiễm bệnh. Ông tuyên bố sẽ không tái đàn cho đến khi các nhà khoa học tìm ra một loại vacxin hữu hiệu.
Nội các Trung Quốc ngày 21/8 thông báo sẽ tăng tốc phân bổ trợ cấp cho nông dân, nằm trong kế hoạch nhằm ổn định sản xuất và cung ứng thịt lợn của nước này. Theo đó, nông dân sẽ được nhận 1.200 nhân dân tệ (170 USD) cho mỗi con lợn bị tiêu hủy để ngăn dịch tả lợn Châu Phi lây lan.
Người tiêu dùng Trung Quốc cũng đang dần cảm nhận được ảnh hưởng từ dịch tả lợn Châu Phi. Giá thịt lợn bán lẻ đã tăng hơn 40% kể từ tháng 8/2018 và dự báo tăng thêm tới 70% trong nửa cuối năm nay do nhu cầu thịt lợn tăng cao vào dịp thời tiết mát mẻ và Tết Âm lịch.
Giá thịt lợn ở Trung Quốc tăng vọt do tả lợn Châu Phi làm nguồn cung giảm. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, các nhà khoa học Trung Quốc vẫn đang nỗ lực hết sức để phát triển một loại vacxin hữu hiệu, dù trước đó, họ không coi đây là ưu tiên hàng đầu như Đông Âu và Nga.
“Tình hình hiện nay, với tả lợn Châu Phi trở thành mối đe dọa toàn cầu, khiến chúng tôi phải tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu”, tiến sĩ Luis Rodriguez, trưởng phòng thí nghiệm của chính phủ Mỹ về dịch bệnh trên động vật ở nước ngoài, nói với AP.
Một phương thức sản xuất vacxin là giết virus trước khi tiêm chúng vào cơ thể động vật. Virus không khiến vật chủ mắc bệnh nhưng sẽ thúc đẩy hệ miễn dịch của vật chủ sản xuất kháng thể. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không hiệu quả với tất cả virus, trong đó có virus gây tả lợn Châu Phi.
Đó là lý do các nhà khoa học chọn dùng virus bị làm suy yếu thay vì đã chết. Với virus tả lợn Châu Phi, họ chưa tìm ra cách chính xác để làm suy yếu chúng.
Trước khi đưa vào sử dụng đại trà, vacxin cần được thử nghiệm trên lượng lớn lợn tại các cơ sở đảm bảo an toàn để đảm bảo sản phẩm không gây tác dụng phụ ngoài ý muốn, theo Linda Dixon, nhà sinh học tại Viện Pirbright, London, Anh. Quy trình này cần từ 2 đến 5 năm.
Một trở ngại cần chú ý nữa là vacxin có thể không hiệu quả trên khắp thế giới. Vacxin hữu hiệu với virus ở Trung Quốc và châu Âu chưa chắc đã hữu ích tại vùng hạ Sahara châu Phi, nơi dịch bệnh đã tồn tại suốt thời gian dài.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn