Việc điều chỉnh này để thực hiện theo Thông tư số 19/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 31-7-2013 quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện.
Theo EVN, lần điều chỉnh giá bán điện này không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá đối với các đối tượng theo quy định tại Quyết định 268/QĐ-TTg ngày 23/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, EVN cam kết mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo và thu nhập thấp không thay đổi. Các hộ nghèo và thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng sẽ không tăng thêm chi phí.
|
Tuy nhiên, đối với vác hộ sử dụng điện sinh hoạt 100 kWh/tháng sẽ bị tăng chi 6.800 đồng/tháng, sử dụng 150 kWh/tháng tăng chi 10.650 đồng/tháng, sử dụng 200 kWh/tháng tăng chi 15.500 đồng/tháng, sử dụng 300 kWh/tháng tăng chi 26.000 đồng/tháng, sử dụng 400 kWh/tháng tăng chi 37.200 đồng/tháng…
Mặt khác, theo EVN, việc điều chỉnh giá bán điện lần này để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than và tăng giá khí. Đặc biệt là giá than từ ngày 20-4-2013 tăng từ 37 – 41% tùy từng loại than.
Bên cạnh đó, trao đổi với báo giới tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7-2013 diễn ra chiều 30-7 về lộ trình giá điện thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nêu rõ: chủ trương chung của Đảng và Nhà nước là tiến tới thể chế kinh tế thị trường và do đó, giá cả của một số mặt hàng cũng dần phải được trả về với giá thị trường. thực trạng hiện nay, giá than bán cho điện đang thấp hơn than bán cho xã hội và các ngành khác, bán dưới giá thành, dẫn đến tình trạng buôn lậu than. Tuy nhiên, hệ luỵ thứ hai quan trọng hơn, đó là, nếu giá điện của Việt Nam thấp trong khi Nhà nước phải bù lỗ, tất cả dự án đầu tư sẽ không thiên về đầu tư công nghệ để tiết kiệm điện, như vậy chúng ta sẽ có nền sản xuất lạc hậu.