Tía tô có màu xanh được trồng tại trang trại của Công ty cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm ở Lương Tài, Bắc Ninh đang được xuất khẩu đi Nhật Bản với giá 500-700 đồng mỗi lá. Loại lá này bắt đầu cho thu hoạch sau một tháng gieo trồng trong nhà kính với nhiệt độ luôn duy trì từ 33 đến 35 độ C. Tuy nhiên, trên một cây tía tô, không phải chiếc lá nào cũng đủ điều kiện xuất khẩu.
Theo các chuyên gia Nhật Bản đang làm việc tại trang trại, lá xuất khẩu được là lá từ thứ 7 trở lên của cây, nhưng phải đảm bảo kích cỡ 6-8cm. Còn những chiếc lá già, quá lứa trước đó đều bị hái bỏ đi. Sau khi thu hoạch, vài ngày sau, lá non phát triển thêm đạt kích cỡ như yêu cầu để xuất khẩu thì mới được hái tiếp. Lá tía tô đủ tiêu chuẩn xuất khẩu phải không rách nát. Người công nhân khi hái cũng không được để móng tay dài nhằm tránh rách lá.
Chỉ trong vòng 2 tiếng sau khi hái, lá tía tô được đưa vào phòng lạnh để phân loại. Công nhân làm việc trong phòng lạnh phải tuân thủ quy trình làm việc nghiêm ngặt từ việc mặc đồng phục, đi dép vô trùng cho đến rửa tay bằng nước sát trùng, giữ vệ sinh...
Lá tía tô được phân loại theo 3 kích cỡ bằng cách chọn lọc thủ công, cột 10 lá thành một và xếp vào thùng. Mỗi thùng có 11.000 lá nặng khoảng 45kg, trước khi đưa vào nhà lạnh để bảo quản sẽ được công nhân ở khâu tiếp theo rà soát từng lá thêm một lần nữa để đảm bảo lá đều, không rách. Sau 5 tiếng được đặt trong nhà lạnh ở nhiệt độ 10 độ C, lá trở nên cứng, giữ được độ tươi và chuyển đến Nhật qua đường hàng không. Thông thường, các lá tía tô mất khoảng thời gian từ khi rời cây đến các bàn ăn của người Nhật là khoảng hơn 24 giờ đồng hồ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Bằng, Giám đốc dự án cho biết, đó chỉ là một trong những khâu chọn lọc cuối cùng của quá trình thu hoạch lá tía tô để xuất khẩu. Trước đó, quy trình khảo sát nguồn nước, làm đất, chọn giống, gieo giống... cũng được tiến hành một cách kỹ lưỡng và mất nhiều thời gian theo yêu cầu của chuyên gia Nhật.
Quy trình trồng tía tô xanh luôn phải được đảm bảo nghiêm ngặt với giống cây nhập khẩu hoàn toàn từ Nhật Bản, đất được xới tơi bằng tay, tưới nước bằng hệ thống phun sương, dùng đèn chiếu sáng để đảm bảo nhiệt độ và có hệ thống quạt thông gió bên trong nhà kính....
Trang trại trồng lá tía tô xuất khẩu của Công ty cổ phần May Hồ Gươm. Ảnh: Anh Tú.
Khu đất được May Hồ Gươm dùng để xây dựng trang trại là đất bỏ hoang đã gần chục năm nay. Khi mới triển khai, đất được cày lên, phơi khô rồi dựng nhà kính. Xong công đoạn này, doanh nghiệp vẫn chưa được tiến hành gieo trồng ngay mà phải đóng nhà kính lại trong một tuần vào thời tiết nắng nóng để tiêu diệt cỏ dại, côn trùng.
"Sau một tuần đó, công nhân mới đi nhặt cỏ, phay đất nhỏ và đem phân hữu cơ ủ mục trộn với đất trước khi trồng phun thuốc để diệt côn trùng. Các loại thuốc được sử dụng không có độc tố mạnh nên có thể một lần không xử lý được hoàn toàn các loại côn trùng", ông Bằng nói, đồng thời cho hay, mọi công đoạn chăm bón sau khi gieo trồng đều thuận theo tự nhiên như trang trại nuôi gà để bắt sâu, dùng đèn để bắt côn trùng, ruồi, muỗi...
"Việc chăm sóc cần hạn chế tối đa sử dụng hóa chất, hoặc nếu có cũng chỉ là những loại không có độc tố cao và dưới sự chỉ đạo, giám sát của 4 chuyên gia Nhật đang làm việc tại trang trại", ông Bằng cho biết.
May Hồ Gươm xây dựng trang trại trồng lá tía tô ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh trên diện tích 11,3 ha, với tổng vốn khoảng 150 tỷ đồng được triển khai từ giữa năm 2016. Trong đó, bên cạnh 8,2ha nhà kính còn có các công trình phụ trợ khác, như nhà xưởng, ao hồ, đường đi, cây xanh…
Theo tính toán, nếu áp dụng đúng theo quy trình này thì một hécta trồng tía tô sẽ cho thu hoạch khoảng 17-18 triệu lá, doanh thu tầm 2,5 tỷ đồng. Ông Bằng cho biết, hiện mỗi ngày trung bình trang trại cho thu hoạch khoảng 100.000 lá (khoảng 45kg) đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật.
Hiện nay, công ty mới đưa vào thu hoạch khoảng một phần tư trang trại và vẫn đang tiến hành gieo trồng những diện tích còn lại. Cũng theo ông, ở những dự án đầu tư nông nghiệp, không thể tính toán lợi nhuận trong 1-2 năm được mà phải tính vòng đời 10 năm mới có thể xem xét đến hiệu quả.
Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay không phải là kỹ thuật mà là vấn đề lao động.
"Để đào tạo được lao động, đặc biệt là nông nghiệp thuần túy sang lao động công nghệ cao, từ thay đổi tư duy, nhận thức cho đến thao tác... mất rất nhiều thời gian. Như vừa rồi là vụ gặt, một loạt lao động nghỉ khiến chúng tôi không kịp xoay xở", ông Bằng cho hay.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn