Vì sao nông sản Việt khó chen chân vào kênh bán lẻ hiện đại?
Thứ bảy - 20/07/2019 04:23
Để có thể đưa hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại, cơ sở sản xuất nông sản cần đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hồ sơ như đăng ký kinh doanh, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm...
Đưa được hàng hóa vào các kênh phân phối lớn với số lượng lớn và ổn định là mục tiêu của các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, hộ nông dân.
Ở Việt Nam, nhờ điều kiện thiên nhiên ưu đãi, hàng hóa nông sản rất phong phú và đa dạng. Song thực tế cho thấy, nhiều mặt hàng nông sản vẫn bí đầu ra, đặc biệt là khó tiếp cận với kênh phân phối hiện đại.
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, việc kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm chất lượng tốt vào chuỗi cung ứng đã được triển khai rất bài bản, mang lại hiệu quả cao.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” hàng Việt trong hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam đã chiếm tỷ lệ cao như Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), BigC (96% theo doanh thu), AEON (80% theo mã hàng)...
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, đây là con số ấn tượng cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên trong bối cảnh hàng hóa trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nhập ngoại.
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế đơn vị mình, ông Hoàng Văn Khảm, Giám đốc Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) cho biết, các sản phẩm rau, củ, quả của hợp tác xã chủ yếu cung ứng vào hai hệ thống siêu thị bán lẻ BigC và Vinmart, các bệnh viện, trường học lớn của Hà Nội.
Nhờ cung ứng vào chuỗi nông sản an toàn, thương hiệu nông sản của hợp tác xã ngày càng được khẳng định, được người tiêu dùng đón nhận.
Nhà sản xuất cần chuyên nghiệp hơn
Thực tế cho thấy, mặc dù đã có nhiều chương trình hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản giữa các địa phương và doanh nghiệp, song chủ yếu những doanh nghiệp làm ăn bài bản và qui mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại mới có thể thành công.
Ở chiều ngược lại, sự manh mún, nhỏ lẻ làm ăn thiếu chuyên nghiệp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bí đầu ra, bấp bênh trên thị trường.
Nói về việc này, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, một yếu tố quan trọng khiến việc đưa hàng hóa, nông sản Việt vào siêu thị trở nên khó khăn là do nhiều nhà sản xuất chưa kiểm soát, chưa bảo đảm được chất lượng hàng hóa để đạt tiêu chuẩn đưa vào siêu thị.
Trên thực tế, vẫn còn sản phẩm chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí chưa có mã số, mã vạch và mẫu mã, bao bì còn đơn điệu, không bắt mắt, cũng như thiếu các chứng nhận về an toàn thực phẩm…
Để có thể đưa hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại, bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Central Group cho biết, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cơ sở sản xuất nông sản cần đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hồ sơ (đăng ký kinh doanh, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm, báo giá, hàng mẫu...).
Căn cứ các thông tin này, phía hệ thống bán lẻ sẽ tổ chức kiểm tra, kiểm định sản phẩm và đánh giá đơn vị có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để cung ứng hàng hóa vào siêu thị hay không.
“Với những điều kiện này, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất, hoạt động theo hướng quy mô, chuyên nghiệp và bài bản hơn. Nếu cộng tác chặt chẽ với hệ thống phân phối bán lẻ, các cơ sở sản xuất sẽ có thông tin để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, thuận lợi trong việc xâm nhập vững chắc vào hệ thống phân phối hiện đại,” đại diện Central Group cho hay.
Bà Lê Việt Nga cho biết, cùng với các giải pháp hỗ trợ đưa hàng Việt vào kênh phân phối hiện đại, Bộ Công Thương có nhiều đề án, chương trình từ nay đến năm 2020 hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hệ thống phân phối tại vùng sâu, vùng xa cũng như tập huấn kỹ năng phân phối hàng Việt cho các hộ kinh doanh theo phương thức truyền thống tại chợ.
Tuy nhiên, giải pháp cốt lõi vẫn là doanh nghiệp tăng chất lượng, đưa ra các dòng sản phẩm có giá phù hợp với khả năng, thị hiếu người tiêu dùng, nhất là khu vực nông thôn.
Dịch tả lợn Châu Phi càn quét, ngân sách địa phương cạn kiệt
Số liệu thống kê mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, tính đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xả ra tại 5.422 xã, 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố; tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 3,3 triệu con. Hiện, cả nước chỉ còn duy nhất tỉnh Ninh Thuận chưa có bệnh DTLCP.
Điều đáng lo ngại là, 106 xã thuộc 22 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó dịch bệnh này lại quay trở lại.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, Đồng bằng sông Hồng cũng là nơi bị thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, nhiều địa phương mất tới 30-40% tổng đàn, ngân sách dự phòng cho công tác chống dịch đã cạn kiệt.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, chưa có dịch bệnh nào lại gây ra tác hại lớn, gây khó khăn vất vả trong quá tình ứng phó như dịch bệnh này. Cũng chưa có loại dịch bệnh gì đối với sản xuất mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải liên tục thay đổi sự chỉ đạo, các địa phương tự sáng tạo, điều chỉnh để đối phó với dịch bệnh.
"Có những tỉnh dùng toàn bộ ngân sách dự trữ để hỗ trợ nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ thiệt hại do dịch bệnh này gây ra". Ông Cường nhận định, diễn biến chưa dừng lại, phải xác định sống chung với dịch bệnh này.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh DTLCP, vấn đề lo ngại đặt ra là từ nay đến cuối năm, tình hình cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn sẽ như thế nào. Liệu có xảy ra tình trạng khan hiếm, "sốt" thực phẩm dẫn tới đẩy giá lên cao hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, khi DTLCP xâm nhập vào Việt Nam, ngay từ đầu đã dự báo trước nếu biện pháp tổ chức chỉ đạo sản xuất không tốt, cuối năm nay sẽ xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn.
Vì vậy, ông Cường yêu cầu phải tập trung phát triển những nhóm thực phẩm khác để bù đắp lại như nuôi gia cầm, đại gia súc, thuỷ sản trên nguyên tắc phát triển theo chuỗi, đảm bảo an toàn sinh học.
"Nơi nào đảm bảo an toàn sinh học cao, những hộ trang trại chăn nuôi quy mô lớn làm chủ được công nghệ thì có thể tăng đàn; những nơi qua 30 ngày không phát sinh dịch, đảm bảo tốt các điều kiện an toàn sinh học cũng có thể phát triển đàn lợn", ông Nguyễn Xuân Cường nói.
Theo ghi nhận, sau khi giá thịt lợn hơi xuống mức khá thấp thì mấy ngày gần đây lại bật tăng trở lại ở giữ ở mức cao. Đơn cử, tại Hưng Yên, Hà Nội, giá lợn hơi 12/7 tăng lên mốc 41.000 đồng/kg; ở Bắc Giang thương lái thu mua lợn hơi với giá 43.000 đồng/kg. Thậm chí có doanh nghiệp thu mua lợn hơi với giá 44.000 đồng/kg.
Trong khi đó, ở miền Trung và miền Nam giá thịt lợn đang nhích nhẹ, hiện ở mốc 31.000-35.000 đồng/kg tuỳ địa phương.
Trước đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cũng dự báo giá thịt lợn thời gian tới sẽ tăng do nguồn thịt lợn sẽ có xu hướng biến động dịp cuối năm. Việc giảm cung không chỉ xảy ra ở thị trường nội địa mà còn ở nhiều nước khác cũng chịu thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi.
Thanh long bán được giá nhờ có chỉ dẫn địa lý
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Bình Thuận cho biết, thanh long chính vụ tại tỉnh năm nay được giá hơn các năm là do hai yếu tố: chỉ dẫn địa lý và chất lượng trái thanh long tăng cao.
Tại các vựa trái cây ở Bình Thuận, giá thanh long đang được rao bán cao hơn nhiều so với các năm trước. Cụ thể, trung bình khoảng từ 17.000 - 20.000 đồng/kg. Đáng chú ý vào hồi đầu tháng 6, giá thanh long chính vụ mua tại vườn ở Bình Thuận đạt mức kỷ lục 30.000 đồng/kg, thậm chí có ngày tăng lên đến 32.000 đồng/kg.
Theo ông Tấn, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển thanh long. Các doanh nghiệp được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý hiểu rõ chỉ dẫn địa lý nhằm phục vụ cho lợi ích doanh nghiệp, nhà sản xuất, góp phần giữ vững uy tín sản phẩm truyền thống của tỉnh. Đặc biệt, trên các thị trường xuất khẩu, chỉ dẫn địa lý chính là yếu tố khẳng định vị thế của thanh long Việt Nam về chất lượng so với các nước khác trên thế giới.
Tỉnh Bình Thuận đã có chỉ dẫn địa lý cho trái thanh long với nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit và hình ảnh trái thanh long” sang 14 nước và vùng lãnh thổ có thị trường tiềm năng. Đến nay đã có 12 nước và vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ nhãn hiệu, dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể như: Mỹ, Anh, Hà Lan, Đức, Nhật Bản...
Tỉnh Bình Thuận đã cấp chỉ dẫn địa lý “ Thanh long Bình Thuận ” cho 83 tổ chức, cá nhân sản xuất thanh long trên địa bàn. Đồng thời, Hiệp hội thanh long Bình Thuận còn hỗ trợ kinh phí cho sáu doanh nghiệp dán 40 triệu tem chỉ dẫn địa lý Bình Thuận lên trái thanh long khi lưu thông trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Tấn cho biết phần lớn sản lượng thanh long Bình Thuận tập trung cho xuất khẩu (80 - 85%) nên tỉnh đã quy hoạch diện tích trồng thanh long đến năm 2020 là 28.000 ha, năng suất đạt 28 tấn/ha, sản lượng đạt 750.000 tấn/năm. Quy mô đến năm 2025 sẽ mở rộng lên 30.000 ha, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha, sản lượng đạt trên 843.000 tấn/năm.
Theo định hướng quy hoạch của tỉnh là sẽ đẩy mạnh sản xuất an toàn để nâng tỉ lệ diện tích trồng thanh long an toàn (VietGAP, GlobalGAP) năm 2020 đạt trên 50% và đến năm 2025 đạt trên 70%.
Cả nước có khoảng 15.000ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại
Theo Bộ NN& PTNT, thời điểm này, sâu keo mùa thu xuất hiện và gây hại hầu hết vùng trồng ngô trong cả nước với tổng diện tích bị nhiễm khoảng 15.000ha, tập trung tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Dự báo thời gian tới, sâu keo mùa thu tiếp tục phát sinh gây hại cây ngô trên diện rộng, nguy cơ giảm năng suất, sản lượng nếu không được phòng, chống kịp thời...
Để hạn chế thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra, Bộ NN& PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các cấp, cơ quan chuyên môn điều tra, phát hiện, thống kê mức độ, diện tích nhiễm sâu keo mùa thu trên ngô và cây trồng khác; hướng dẫn nông dân chủ động phòng, chống theo quy trình kỹ thuật đã được Cục Bảo vệ thực vật ban hành.
Các đơn vị nghiên cứu chủ động đề xuất biện pháp đối phó với sâu keo mùa thu và cách phòng trừ nhằm đạt hiệu quả kinh tế, an toàn cho môi trường; nghiên cứu nhân nuôi ký sinh, thiên địch phòng, chống sâu keo mùa thu; đồng thời, tuyển chọn giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để áp dụng vào sản xuất…