Người nuôi heo có nguy cơ phá sản vì giá heo liên tục giảm sâu vào mùa cao điểm tiêu thụ. Trong ảnh: Một trại chăn nuôi ở huyện Thống Nhất.
Thị trường heo tết đang bị “vỡ trận” do Trung Quốc hầu như ngưng “ăn” hàng, trong khi lượng heo thịt trong nước tiêu thụ có hạn khiến cung vượt cầu.
Heo “rớt” giá từng ngày
Theo ông Nguyễn Quốc Khang, Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần C.P Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), khó khăn cũng đang bủa vây doanh nghiệp do bị ảnh hưởng bởi thị trường chung khiến giá heo thịt và heo giống đều xuống quá thấp. Doanh nghiệp càng khó khăn hơn khi xăng dầu bất ngờ “sốt” giá cuối năm, đẩy chi phí đầu vào lên cao. |
Mọi năm, càng cận Tết Nguyên đán thị trường heo thịt càng sôi động do đây là thời điểm nhu cầu tiêu thụ heo thịt của thị trường Trung Quốc vào cao điểm, kênh tiêu thụ nội địa cũng tăng. Người chăn nuôi thường tăng đàn vào cuối năm với kỳ vọng trúng giá, trúng mùa. Nhưng năm nay, giá heo “rớt” không có điểm dừng. Hiện giá heo hơi đã giảm đến mức thấp kỷ lục trong 10 năm trở lại đây, nhưng lượng heo đến độ xuất chuồng chưa tìm được thương lái mua lại tăng từng ngày khiến thị trường này rất khó khởi sắc.
Ông Nguyễn Văn Sơn, nông dân nuôi heo tại huyện Thống Nhất, chia sẻ: “Với giá bán hiện nay, người nuôi lỗ trên 1 triệu đồng/con. Tiền bán heo không đủ trả tiền cám nên không ai nghĩ đến chuyện gầy lứa heo giống mới vì chúng tôi mua cám gối đầu, đến đợt bán heo mới trả. Nhiều đại lý cám đã ngưng bán thiếu cho nông dân”.
Theo đó, giá heo con giống cũng giảm mạnh. Hiện giá heo giống của các công ty bán ra cũng chỉ còn khoảng 60 ngàn đồng/kg, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều trại chuyên cung cấp heo con giống cũng đang tồn hàng vì người nuôi không tái đàn. Điều này gây hệ lụy rất lớn cho ngành nuôi heo vì so với gà, chăn nuôi heo thường mất gấp 3-4 lần thời gian và nguồn vốn đổ vào cũng lớn hơn rất nhiều.
Mất cân đối cung - cầu
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, lo lắng: “Người nuôi heo đang đứng trước bờ vực phá sản. Tuy nhu cầu tiêu thụ heo thịt của thị trường nội địa không giảm, nhưng mỗi ngày trong tỉnh có hàng ngàn con heo “dội chợ” do Trung Quốc đóng cửa khẩu. Giá thấp như thế nhưng nhiều chủ trại gọi đến 6-7 thương lái mà chưa bán được heo”.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn (huyện Xuân Lộc, nhận xét: “Khoảng 10 ngày trở lại đây, trung bình mỗi ngày chỉ có từ 1-2 xe chở heo thịt xuất đi phía Bắc. Trong khi đó dịp cùng kỳ năm ngoái, đây là cao điểm xuất heo đi Trung Quốc với sản lượng trên 20 xe/ngày (tương đương trên 3 ngàn con heo)”.
Phân tích về thị trường heo thịt hiện nay, ông Phan Văn Danh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), cho rằng thời gian qua đàn heo nội tăng quá nhanh nên khi Trung Quốc không thu mua khiến nguồn cung tăng sốc. Người chăn nuôi nên tính toán lại việc cân đối cung - cầu dựa vào thị trường nội địa chứ không nên quá kỳ vọng vào việc thị trường Trung Quốc sẽ khôi phục. Theo đó, việc giảm đàn là cần thiết và người chăn nuôi nên xem đây là cơ hội để sàng lọc lại đàn heo nái theo hướng tinh giảm với chất lượng cao hơn để tăng sức cạnh tranh. Ông Danh cảnh báo thêm: “Người chăn nuôi thua lỗ do heo rớt giá dễ dẫn đến nguy cơ lơ là trong khâu vaccine phòng trừ dịch bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát và sẽ rất nguy hại vì Đồng Nai là tỉnh chăn nuôi lớn nhất nước”.
Nguồn: baodongnai.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn