Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh:Huỳnh Sử-TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, nhất là các tỉnh vùng bán đảo mô hình nuôi tôm nước lợ đang được đánh giá cao, ít tác động đến môi trường.
Vì vậy, để con tôm nâng cao giá trị kinh tế, Bộ trưởng chỉ đạo các ngành các cấp cần khẩn trương xây dựng sản phẩm con tôm Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia và hướng đến Việt Nam hình thành ngành công nghiệp tôm.
Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, thuộc Tổng cục Thủy sản ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến đầu tháng 9, diện tích thả nuôi tôm nước lợ cả nước hơn 660.000 ha. Mô hình nuôi tôm nước lợ hiện có sự thay đổi về cơ cấu đối tượng nuôi. Người dân đã chuyển sang nuôi tôm sú trở lại, với trên 580.000 ha.
Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm nước lợ và xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn do công tác giám sát vùng nuôi, đặc biệt là khâu quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh chưa có hiệu quả; hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi tôm nước lợ chưa đảm bảo.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh:Huỳnh Sử-TTXVN
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho ao nuôi chưa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật; khó kiểm soát chất lượng giống thủy sản; giá thành sản xuất tôm trong nước còn cao hơn các nước trong khu vực nên khó cạnh tranh; thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do gặp phải hàng rào kỹ thuật, thuế quan.
Cùng quan điểm đó, ông Như Văn Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, tình trạng bơm, chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, tồn dư kháng sinh vẫn còn diễn ra, làm mất uy tín thương hiệu tôm Việt Nam trên thị trường thế giới...
Để nâng cao chất lượng sản phẩm tôm xuất khẩu, các đại biểu cho rằng cần có chế tài xử phạt thật mạnh đối với hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu; buộc các nhà máy chế biến cam kết không thu mua tôm nguyên liệu có bơm chích tạp chất…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, mô hình nuôi tôm nước lợ ở địa phương trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả nhưng mong muốn; thường xuyên đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh; môi trường đất, nước đang có dấu hiệu suy thoái, ô nhiễm; hàm lượng khoa học, công nghệ trong sản phẩm thủy sản còn thấp…
Tính đến đầu tháng 9, diện tích thả nuôi tôm nước lợ cả nước hơn 664.000 ha, bằng 101% so với kế hoạch; trong đó diện tích nuôi thả nuôi tôm sú hơn 587.000 ha, tôm thẻ chân trắng hơn 76.000 ha. Tổng sản lượng thu hoạch đạt hơn 334.000 ha, bằng 104% so với kế hoạch. Phấn đấu cuối năm 2016, cả nước thả nuôi tôm nước lợ đạt hơn 683.000 ha, với sản lượng hơn 680.000 tấn.
theo Bnews
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn