Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2017, Việt Nam XK 63.123 tấn chè các loại, đạt giá trị 97,45 triệu USD (tăng 14,4% về lượng và tăng 10,44% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016). Tính riêng trong tháng 6/2017, ngành chè XK 12.810 tấn, trị giá 21,43 triệu USD.
Lượng tăng, giá giảm
Sau hai quý đầu năm 2017, XK chè đã có tháng tăng thứ tư liên tiếp. Về khối lượng, sau khi giảm nhẹ từ 9.155 tấn trong tháng Một xuống 8.247 tấn trong tháng Hai, khối lượng chè XK đạt 10.402 tấn trong tháng Ba, 10.645 tấn trong tháng Tư và tăng vọt lên mốc 11.724 tấn trong tháng Năm.
Về giá trị, theo đà tăng của khối lượng, XK chè tăng mạnh từ xấp xỉ 12,2 triệu USD trong tháng Hai lên 14,5 triệu USD trong tháng Ba, hơn 15,8 triệu USD vào tháng Tư và đạt gần 20,1 triệu USD trong tháng Năm.
Dù liên tiếp lập mốc mới về tổng khối lượng và giá trị nhưng giá chè XK bình quân của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2017 có xu hướng giảm nhẹ, với giá trung bình đạt 1.544 USD/tấn (giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2016).
Giá XK giảm đã kéo theo giá trị kim ngạch tại các thị trường XK hàng đầu của chè Việt Nam giảm theo. Điển hình như Pakistan, thị trường tiêu thụ chè lớn nhất của Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm 2017, khối lượng chè xuất sang thị trường này đạt 12.088 tấn, tương đương 24,48 triệu USD (giảm lần lượt 17,4% về lượng và 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016).
Tương tự, tại thị trường Indonesia, thị trường lớn thứ tư của chè Việt Nam, XK chỉ đạt 4.908 tấn, thu về hơn 4,1 triệu USD (giảm lần lượt 38,2% về lượng và 41,7% về giá trị). Thị trường Trung Quốc đứng thứ năm, dù khối lượng tăng gần 64,5%, đạt hơn 5.091 tấn, nhưng giảm khá mạnh về giá trị, đạt 6,5 triệu USD.
Việt Nam đặt mục tiêu thu về 250 triệu USD từ XK chè trong năm 2017
Trong tốp 5 thị trường XK hàng đầu của chè Việt, chỉ có Nga và Đài Loan là hai thị trường tăng trưởng cả về lượng và giá trị. Trong đó, Đài Loan đứng thứ hai, đạt 7.613 tấn, thu về 12,19 triệu USD (tăng 15,7% về lượng và 15,8% về giá trị); thị trường Nga đứng thứ ba, đạt 8.582 tấn, trị giá 11,53 triệu USD (tăng 9,2% về lượng và 5,4% về giá trị).
Sáu tháng đầu năm 2017, XK chè cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh từ các thị trường mới nổi. Điển hình là Ấn Độ với 1.382 tấn, tương đương 1,67 triệu USD, tăng 1.488% về lượng, 1.475% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016; Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng 204% về lượng, 346% về trị giá so với cùng kỳ (đạt 325 tấn, trị giá 741.015 USD); thị trường U.A.E tăng 135% về lượng, 114% về trị giá (đạt 2.079 tấn, trị giá 2,96 triệu USD)…
áp lực gia tăng giá trị
Năm 2017, mục tiêu của ngành chè Việt Nam là XK chính ngạch đạt trên 150.000 tấn, thu về 250 triệu USD, đồng thời chiếm lĩnh thị trường nội địa với sản lượng khoảng 50.000 tấn và doanh thu gần 10.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, nếu tiếp tục giữ đà tăng trưởng như trong quý II/2017, XK chè có thể đạt 210 – 250 triệu USD. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu cả năm, ngành chè còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt trong khâu gia tăng giá trị sản phẩm.
Thực tế cho thấy, dù đang là quốc gia sản xuất và XK chè hàng đầu thế giới song các sản phẩm chè Việt XK vẫn ở dạng tư liệu sản xuất thay vì tư liệu tiêu dùng. Chè Việt XK chủ yếu mới được đóng thô dưới dạng nguyên liệu với khối lượng khoảng 30 – 60kg, sau đó được đóng gói lại (với khối lượng dưới 3kg), pha trộn, hoặc chế biến để tiêu thụ ở thị trường nước sở tại hay XK sang nước thứ ba.
Ông Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam – phân tích: “Giá trị của chè Việt Nam, với tư cách là “tư liệu sản xuất”, chỉ chiếm khoảng 5 – 20% giá trị sản phẩm chè cuối cùng. Sau khi chế biến lại, chè Việt Nam sẽ mang tên của các nhà nhập khẩu nên người tiêu dùng tại các nước hầu như không biết đến chè Việt Nam”.
Để thoát cảnh “cốc mò cò xơi” như hiện nay, nâng cao chất lượng là đòi hỏi cấp thiết của ngành chè Việt Nam. “Muốn thắng trên thị trường quốc tế, điều cần làm ngay là đổi mới quan hệ sản xuất. Đầu tiên là khâu sản xuất nguyên liệu, khâu quyết định đến chất lượng sản phẩm. Cần đưa các vùng nguyên liệu vào chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và doanh nghiệp”, ông Tài nhấn mạnh.
Theo tính toán, nếu chuyển đổi từ tư liệu sản xuất sang tư liệu tiêu dùng, các sản phẩm chè Việt Nam được chế biến, tự đóng gói và XK trực tiếp đến tay người dùng tại các nước, giá trị chè có thể tăng 150 - 300%. Cụ thể, chè thô XK hiện tại có giá 1,4 – 1,8 USD/kg nhưng nếu làm thương hiệu tốt, chè có thể đạt mức giá 5 – 8 USD/kg.
Khẳng định chất lượng chính là con đường ngắn nhất để chè Việt Nam chinh phục các thị trường khó tính, gia tăng giá trị sản phẩm, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam – cho rằng: “Cần có những DN đủ mạnh để đưa chè Việt Nam ra cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thị phần của chè Việt XK vào thị trường khó tính đang rất thấp, muốn cải thiện, chè Việt Nam cần ngon hơn và sạch hơn”.
Hiến Nguyễn
http://thoibaokinhdoanh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn