Xuất khẩu điều đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Kim Ngân |
Hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa
Tại cuộc họp của Vinacas mới đây, một DN phát biểu, điều quan trọng trong kinh doanh là phải có lời nhưng DN lại rơi vào giai đoạn khó khăn nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Giá bán giảm mạnh, từ trên 4,6 USD/pound thời điểm đầu năm, giờ chỉ còn 3,15 - 3,17 USD/pound. DN hầu như phải bán bằng hoặc dưới giá thành để cắt lỗ và trả nợ ngân hàng khi đến kỳ đáo hạn. Góp phần vào việc bán giá thấp, cạnh tranh nhau là từ bản thân các DN. Nếu như các DN trong CLB G20 plus bán giá 3,5 USD/pound thì không ít DN bán chỉ 3,15 đến 3,17USD/pound.
Hậu quả, nhà nhập khẩu được dịp ép giá dẫn đến việc giá giảm từ đầu quý 2 trở lại đây. Đến mức, mới đây Hiệp hội nhà nhập khẩu điều Quảng Đông (nơi nhập lượng lớn điều nhân từ Việt Nam) gửi thư đến Vinacas phàn nàn vì sao giá điều nhân giảm mỗi ngày một giá, làm cho nhà nhập khẩu không thể bán hàng ra được, phải tồn kho kéo dài cả chục ngàn tấn.
Việc giảm giá này làm cho hầu hết DN từ hòa vốn hoặc lỗ do nguyên liệu mua từ cuối năm ngoái với giá đầu vào rất cao. Vì vậy, số DN nhỏ ngưng hoạt động rất nhiều, chỉ riêng tỉnh Bình Phước, vùng điều lớn nhất nước, có khoảng 70% DN liên quan đến chế biến hạt điều phải đóng cửa hoặc chuyển sang nghề khác.
Nếu như trước đây, người trồng điều luôn khó khăn do giá cả thu mua biến động, giờ đây, các DN cũng gặp khó khăn không kém. Xuất khẩu thì bị nhà nhập khẩu làm khó dễ, thậm chí không chịu nhận hàng nếu cảm thấy bất lợi khi giá giảm, DN không dám kêu.
Theo Công ty Hợp Long, DN bán hàng cho một công ty môi giới Thụy Sĩ, 4 container xuất đợt đầu bán giá cao, việc thanh toán tương đối đều. Nhưng những lần kế tiếp giá giảm dần và khi giá giảm thì nhà nhập khẩu tìm mọi lý do để không nhận hàng. DN phải lấy hàng ra khỏi cảng để gửi vào kho ngoại quan. Hiện nay có nhiều DN rơi vào tình cảnh hàng phải nằm chờ tại cảng nhiều tháng. Trong khi đó, khi nhập khẩu điều thô lại bị khách hàng dùng mọi cách để ép phải lấy dù chất lượng giảm.
Siết chặt chất lượng
Không chỉ khó khăn về thị trường, các DN đang đối mặt với các rào cản kỹ thuật thương mại ở những quốc gia nhập khẩu như Luật Sửa đổi, bổ sung quy định an toàn thực phẩm (FSMA) của Cục An toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), các quy định kiểm soát mới của EU khi lượng hàng tồn nhiều do sức mua giảm, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Sau Mỹ, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu điều nhân lớn thứ 2 của Việt Nam từ nhiều năm nay, đa phần nhập theo đường tiểu ngạch, đây là thị trường tiêu thụ lượng lớn điều nhập cấp thấp (bể, nứt...) của Việt Nam.
Bên cạnh tốc độ xuất khẩu giảm dần 2 năm qua, năm nay Trung Quốc kiểm soát rất chặt việc nhập khẩu và đánh thuế cao gấp 4 lần so với trước đây. Một xe tải qua biên giới trước đây chỉ đóng thuế khoảng 100 triệu đồng, nay tăng lên 400 triệu đồng. Hiệp hội nhà nhập khẩu điều Quảng Đông (Trung Quốc) yêu cầu Vinacas chấn chỉnh lại vấn đề chất lượng, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Từ một thị trường chuyên nhập hàng chất lượng trung bình đến thấp giờ đây Trung Quốc đã kiểm soát chặt và nâng dần các tiêu chuẩn khi nhập điều nhân, không còn là thị trường dễ dãi. Bên cạnh đó, hiệp hội này còn đề nghị Vinacas kiểm soát chặt giá bán mới có thể làm ăn lâu dài.
Đã chạm đáy?
Khó khăn về thị trường và giá bán nên Vinacas nhận định, kim ngạch xuất khẩu năm 2012 chỉ đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tương đương năm 2011, thấp hơn so với mức dự báo ban đầu là 1,5 tỷ USD. Dù tình hình cực kỳ khó khăn nhưng không ít DN nhận định, tình hình này trước sau gì cũng sẽ qua đi. Vấn đề là khi nào… trời lại sáng và hy vọng trời mau sáng! Sở dĩ có hy vọng này là do xuất khẩu điều 6 tháng cuối năm bao giờ cũng nhiều hơn 6 tháng đầu năm.
Một DN ở Bình Phước nhận định, giá đã chạm đáy vào tuần trước, khi xuống 3,05 USD/pound, DN lớn không bán, trong khi khoảng 80% DN nhỏ đã đóng cửa, thị trường đứng lại. Tình trạng bán phá giá giữa các DN làm nhà nhập khẩu không thể mua tiếp hàng. Hiện nay có khoảng 20 DN xuất khẩu điều nhân sang Trung Quốc, năm 2011 là 36.000 tấn.
Vì vậy,Vinacas đề nghị các địa phương kiểm tra cấp giấy chứng nhận cơ sở ATVSTP cho các DN và về lâu dài xem đây là mặt hàng xuất khẩu có điều kiện.
Theo Vinacas, năm nay khả năng chỉ có thể xuất khoảng 150.000 tấn điều nhân nhưng DN thêm nỗi lo về nguyên liệu. Lượng điều thu hoạch trong nước giảm khoảng 40%, chỉ đạt 264.800 tấn (năm 2011 là 301.730 tấn), các DN đã mua 235.200 tấn điều thô. Như vậy chỉ còn tồn trong dân khoảng 29.600 tấn. Trong khi đó, lượng nhập khẩu điều năm nay thấp hơn 41,8% so với cùng kỳ năm 2011, chỉ 116.300 tấn.
Vì vậy, Vinacas đề nghị DN chủ động nhập khẩu nguyên liệu nhưng không nên nhập số lượng lớn, không khuyến khích gia tăng công suất chế biến, không chạy theo khối lượng mà thời điểm hiện nay quan tâm nhiều đến ATVSTP. Chủ yếu đầu tư để nâng cao chất lượng, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu.
Tuy nhiên, để nhập 133.600 tấn điều thô và lượng điều tồn trong dân cần trên 96.000 tỷ đồng. Nhà nước sớm có giải pháp giúp DN tiếp cận về vốn, lãi suất; đồng thời có giải pháp xử lý việc ân hạn thời hạn nộp thuế, nhất là nguyên liệu nhập khẩu tăng lên 375 ngày…
Công Phiên
Nguồn:sggp.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn