Sự dịch chuyển tích cực
Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ nội thất, ngoại thất có bước tiến dài hơn 10 năm qua. Từ con số khiêm tốn 294 triệu USD kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ở năm 2000, đến cuối năm 2014 là 6,2 tỷ USD; với tốc độ tăng bình quân 15%/năm, nhiều khả năng năm nay chạm ngưỡng 7 tỷ USD. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ thứ 4 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ý và Đức. Trong hoàn cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi, sự dịch chuyển gia công ngành đồ gỗ - thủ công mỹ nghệ không ngừng tăng lên. Việt Nam được thế giới chú ý vì sản phẩm đảm bảo chất lượng và nhất là sản xuất từ nguồn gỗ hợp pháp. Khoảng một năm trở lại đây, nhiều nhà nhập khẩu đồ gỗ lớn trên thế giới đã đến Việt Nam đặt hàng thay vì Trung Quốc do giá nhân công nước này tăng cao so với Việt Nam. Nhờ đó góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời tạo thêm giá trị gia tăng từ nguồn gỗ trồng nguyên liệu trong nước, thay thế dần các loại gỗ nhập khẩu.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp quận Gò Vấp (TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG
Tại buổi hội thảo “Cơ hội cho ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam” do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) tổ chức gần đây, ông Chad Ovel, Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Mekong Capital, nhận định với nhiều lợi thế đã được khẳng định, ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Việt Nam có đầy đủ ưu thế theo những danh mục cần có của các nhà đầu tư. Với một nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức kiểm soát, tăng trưởng tín dụng hợp lý, thị trường lao động và thị trường tiêu dùng cao, Việt Nam hiện là điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư. Đặc biệt, Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được đàm phán nếu được ký kết sớm sẽ tạo cơ hội rất lớn cho ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu và thâm nhập sâu hơn thị trường Mỹ.
Để ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ nắm bắt được cơ hội phát triển, theo ông Chad Ovel, Việt Nam cần sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đóng góp nhiều giá trị gia tăng hơn thông qua nâng cao hiệu suất sản xuất và kỹ năng của lực lượng lao động. Thị trường Mỹ yêu cầu rất cao về chất lượng và luật pháp chặt chẽ, do đó các DN cần tuân thủ nghiêm về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, linh hoạt, đa dạng sản phẩm và giữ mức giá hợp lý để tránh bị kiện bán phá giá. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, cho rằng cơ hội phát triển ngành chế biến gỗ thời điểm hiện nay rất sáng sủa. Trước những bất ổn về tình hình chính trị khu vực và thế giới, chế biến gỗ Việt Nam nổi lên là điểm đến ổn định được các nhà đầu tư nước ngoài hướng tới. Để hợp tác tốt với các nhà đầu tư nước ngoài, cần nghiên cứu kỹ hệ thống hải quan nước sở tại, có nhà thiết kế phù hợp; đồng thời tích cực tìm kiếm và ký kết hợp tác với nhà phân phối uy tín, cũng như tham dự các hội chợ chuyên ngành. Nhưng điều không thể thiếu là quan tâm đến khâu marketing và đào tạo đội ngũ tiếp thị. Từ kinh nghiệm của mình, ông Khanh cho rằng, các DN cần kiên trì, tự tin và quyết đoán.
“Bám” thị trường nội địa
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch HAWA, số liệu khảo sát từ một tổ chức của Ý về tiêu thụ sản phẩm gỗ chế biến nội địa Việt Nam cho thấy, trước thời kỳ khủng hoảng, doanh số tiêu dùng gỗ chế biến và nội thất lên đến 2,7 tỷ USD/năm, nhưng suy giảm từ năm 2009, 2 năm nay tăng lên khoảng 1,8 - 1,9 tỷ USD/năm. Năm 2015 nhiều khả năng sẽ trên 2 tỷ USD. Trong đó, năm 2014 Việt Nam nhập khẩu 217 triệu USD sản phẩm gỗ chế biến và nội thất, tăng 609% trong 5 năm. Với tiềm năng thị trường nội địa trên 90 triệu dân và 600 triệu của khu vực ASEAN sẽ là cơ hội và cả thử thách đối với cộng đồng DN chế biến gỗ trong những năm tới, nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực.
Ngành đồ gỗ khu vực ASEAN có 2 nước là “đối thủ” của Việt Nam ngay trên sân nhà là Thái Lan và Malaysia, khi năng suất chế biến mỗi lao động của 2 nước này cao gấp 1/5 và 1/7 so với Việt Nam. Cả 2 lại có sẵn các nhà máy chế biến gỗ tại nước ta, riêng Thái Lan còn thâu tóm siêu thị, đại lý phân phối sản phẩm nên có khả năng vừa sản xuất vừa bán hàng ngay tại Việt Nam. Từ lâu nhiều sản phẩm gỗ nội thất các nước như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan… chiếm thị phần quan trọng trên sân nhà, nên đây là thách thức không nhỏ cho DN Việt Nam. Khâu phân phối và bán hàng với những khoảng “đứt gãy” cũng như các DN Việt Nam quen với đơn hàng tính bằng container so với vài bộ/đơn hàng trong nước. Đây là những điều cần được khắc phục. Việc kiên trì “bám” thị trường nội địa bằng nhiều cách, trong đó có việc tổ chức định kỳ hàng năm hội chợ hàng trang trí nội thất Vifa Home chuyên cho người tiêu dùng trong nước cũng là cách để không chậm chân hơn nữa trên sân nhà. Qua 4 lần tổ chức Vifa Home tại TPHCM, phải đến năm 2014 mới có thể nói là thành công, đem lại lợi ích cho DN và ban tổ chức. “Giữ vững sân nhà”, nhất là cuối năm 2015 khi hội nhập AEC, cần phải có giải pháp thiết thực nếu không cũng chỉ là khẩu hiệu. Điều đáng mừng là năng suất ngành chế biến gỗ tập trung khu vực TPHCM và Đông Nam bộ trên 15.000USD/người/năm, gấp 3 lần năng suất bình quân cả nước, giảm bớt khoảng cách với những đối thủ trực tiếp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn