Kim ngạch XK tăng cao
Theo tuyên bố của Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA), ngày 22/5 tới, quốc gia này sẽ mở gói thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo từ các nước XK gạo lớn theo cơ chế Chính phủ - Tư nhân (G2P). Trước đó, vào đầu tháng 5, Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 130.000 tấn gạo cho quốc gia này. Nếu trúng tiếp gói thầu này, tình hình XK gạo của nước ta sẽ gặp nhiều thuận lợi.
Nhờ cải thiện tốt chất lượng sản phẩm, tận dụng những thuận lợi của thị trường nên tình hình XK gạo đang rất khả quan. Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, XK gạo 4 tháng đầu năm tăng 23,8% về lượng và tăng 39,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 2,2 triệu tấn, thu về 1,11 tỷ USD. Giá XK gạo trung bình đạt 502,5 USD/tấn, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng rất cao trong vòng 5 năm qua.
Bộ Công Thương phân tích, có được kết quả này là do từ đầu năm đến nay, Việt Nam liên tục trúng thầu các hợp đồng XK gạo đến các thị trường lớn. Cụ thể, sau 2 năm không nhập khẩu, quý I/2018, Indonesia đã liên tiếp mở 2 gói thầu nhập khẩu gạo. Trong đó, gói thầu đầu tiên mở vào tháng 1, Việt Nam trúng 141.000 tấn; gói thầu thứ 2 mở vào tháng 4, Việt Nam đã giành được hợp đồng XK 300.000 tấn. Thời gian giao hàng cho quốc gia này là từ tháng 5 - 7/2018. Giá trúng thầu của hợp đồng lần này cũng rất tốt. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã trúng thầu hợp đồng XK gạo cho Philippines vào đầu tháng 5.
Ngoài các thị trường truyền thống với các hợp đồng tập trung với sản lượng cao, một số thị trường mới cũng đạt mức tăng trưởng XK cao sau 4 tháng như Bangladesh tăng gấp 91 lần về lượng và tăng gấp 61 lần về kim ngạch, Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp 13 lần về lượng và tăng gấp 17 lần về kim ngạch, Iraq tăng gấp 11 lần về lượng và tăng gấp 16 lần về kim ngạch…
Thêm kỳ vọng
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cùng với các hợp đồng Chính phủ, trong tháng 5 này, nhiều hợp đồng XK gạo tư nhân sẽ được ký kết với hàng trăm ngàn tấn. Ngoài các thị trường truyền thống, DN đang chuyển hướng tìm cơ hội XK gạo cho các thị trường mà Việt Nam có Hiệp định Thương mại tự do như Hàn Quốc, Australia… Điểm khác biệt so với năm 2017 là giá gạo XK của Việt Nam đã tăng khoảng 15%, giữ mức bình quân hơn 500 USD/tấn.
Bộ Công Thương cũng cho hay, tin vui khác là cơ cấu gạo XK đang tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực khi giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp, tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt…), phù hợp với định hướng phát triển thị trường XK. Năm 2017, lượng XK gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chỉ còn chiếm tương ứng 3,88% và 8,24% tổng lượng XK.
Cơ hội là có, nhưng VFA cũng chỉ rõ, ngành gạo 2 năm gần đây có sự sàng lọc mạnh mẽ. Nếu như trước đây, DN chỉ cần tự đầu tư kho bãi, thu gom gạo và ngồi chờ các đơn gạo từ hợp đồng tập trung liên Chính phủ rót xuống thì hiện nay, DN buộc phải tự đi tìm hợp đồng. Do đó, các DN mạnh thì vượt qua, các DN yếu về vốn và thị trường bị đào thải. Bên cạnh đó, XK gạo còn đang bị phụ thuộc mạnh vào thị trường Trung Quốc, do đó, ngoài sự cố gắng của DN, VFA cũng kiến nghị, cần có các giải pháp mang tính vĩ mô của Chính phủ và các bộ, ngành nhằm xây dựng, đa dạng hóa thị trường, tạo điều kiện cho XK gạo. Đặc biệt, việc mở rộng thị trường không chỉ là nhiệm vụ của Bộ Công Thương mà còn là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trong việc quản lý tốt chất lượng sản phẩm), hệ thống ngân hàng (trong việc có các gói vay ưu đãi cho XK gạo).
VFA dự báo năm 2018, XK gạo sẽ đạt khoảng 6,5 triệu tấn. Trong đó, các thị trường trọng tâm là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, Iraq, châu Phi… |