Trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo Japonica (một loại gạo có nguồn gốc Nhật Bản) tăng gần 300% so với cùng kỳ năm trước
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo của cả nước đạt gần 2,66 triệu tấn, với trị giá FOB là 1,65 tỷ USD. Con số này so với cùng kỳ năm 2016, tăng nhẹ 0,25% về lượng và tăng 1,85% về trị giá FOB.
Nhu cầu tăng và nguồn cung hạn chế trong quý II là nguyên nhân giúp xuất khẩu gạo Việt Nam có được con số tăng trưởng dương sau một thời gian dài thị trường rơi vào trầm lắng. Dù con số tăng trưởng chưa cao, tuy nhiên xuất khẩu gạo 6 tháng cũng có một số dấu hiệu tích cực.
Đáng chú ý, xuất khẩu gạo Japonica (một loại gạo có nguồn gốc Nhật Bản) tăng mạnh nhất, gần 300% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong 5 loại gạo chính trong cơ cấu gạo xuất khẩu hiện nay của Việt Nam. Trong hai năm gần đây, xuất khẩu loại gạo này luôn duy trì mức tăng trưởng ở 3 con số, thị phần xuất khẩu cũng ngày càng tăng lên. Nếu như cuối năm 2015, xuất khẩu loại gạo này chỉ chiếm khoảng 1% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam thì đến nay con số này đã là 4,57%.
Thị trường nhập khẩu gạo Japonica chủ yếu là khu vực châu Úc. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng mạnh, hiện chiếm 5,24% thị phần xuất khẩu do nhập khẩu gạo Japonica tăng. Tuy nhiên, thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam vẫn là khu vực châu Á, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2016, chiếm gần 70%; trong đó, Trung Quốc đứng đầu, chiếm 43,8%; còn lại là Philippines, Malaysia, Singapore đều tăng.
Ngoài gạo Japonica, xuất khẩu gạo trắng cao cấp, nếp và gạo tấm cũng tăng khá mạnh, lần lượt tăng 34%, 51% và 127%. Trong cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam 6 tháng đầu năm, gạo thơm vẫn chiếm thị phần lớn nhất, chiếm 28,8%, theo sau đó là gạo trắng cao cấp chiếm 28,6%…
Tính đến ngày 30/6, vẫn còn 1,46 triệu tấn gạo đã được các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu nhưng chưa giao hàng. Trong đó, chỉ có khoảng 490.000 tấn gạo là thuộc hợp đồng tập trung, cung cấp cho thị trường Cuba, Malaysia và Bangladesh, còn lại là hợp đồng thương mại của các doanh nghiệp.
H.Chung (TTXVN)