Thu hoạch lúa ở ĐBSCL |
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), những ngày đầu tháng 3 đã ghi nhận nhu cầu NK gạo đang trở lại trên thị trường, với thỏa thuận giữa Việt Nam - Iraq, Malaysia và Cuba (đang đàm phán) cũng như một số nhu cầu mới từ Trung Quốc với hạn ngạch NK 5 triệu tấn gạo sẽ sớm được xác nhận (con số này hàng năm vào khoảng 5,32 triệu tấn gạo).
Trong đó, Việt Nam đã ký hợp đồng bán cho Iraq 120 ngàn tấn gạo. Năm 2018, Iraq đã NK 300 ngàn tấn gạo thơm (gạo trộn). Trên cơ sở đó, một số doanh nhân ngành gạo dự báo trong năm 2019, Iraq cũng sẽ nhập một lượng gạo tương đương và Việt Nam sẽ hưởng lợi nhờ giá cạnh tranh. Giao dịch nói trên cũng cho thấy Iraq đang dành mối quan tâm cho gạo Việt Nam trong năm nay.
Cơ quan Thu mua Lương thực Malaysia (Bernas) cũng đã ký hợp đồng NK 25 ngàn tấn gạo trắng 5% tấm từ Việt Nam với nhà cung cấp là TCty Lương thực Miền Bắc. Bernas yêu cầu phía Việt Nam thực hiện giao hàng nhanh đối với các hợp đồng này nhằm đảm bảo gạo cung cấp là nguồn gạo từ vụ đông xuân.
Các DN Việt Nam hiện cũng đang tích cực thương thảo với các nhà NK đến từ Phililppines, Trung Quốc… Với giá gạo XK loại 5% tấm vào đầu tháng 3 là 340 USD/tấn, gạo Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh nhất so với các nguồn cung chính khác. Cụ thể, vào ngày 1/3, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ là 370 USD/tấn, Pakistan 360 USD/tấn…; gạo 100%B của Thái Lan là 388 USD/tấn. Tới giữa tháng 3, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên ở mức khoảng 340-350 USD/tấn, nhưng vẫn rất cạnh tranh so với các nguồn cung khác.
Tuy nhiên, do những hợp đồng trước đó DN Việt Nam đã ký với giá thấp, nên đã ảnh hưởng ít nhiều tới tiến độ ký những hợp đồng XK mới. Ông Lâm Anh Tuấn, GĐ Cty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), cho hay, đã có nhiều khách hàng nước ngoài sang Việt Nam tìm kiếm hợp đồng mua gạo, nhưng do trước đó, giá gạo trong một số hợp đồng đã ký khá thấp, nhất là so với giá giao dịch hiện tại, nên họ vẫn còn nghe ngóng, chờ đợi. Trong khi đó, do giá lúa ở ĐBSCL tăng bởi tác động của chương trình tạm trữ, nhiều DN đã bị lỗ do đã lỡ ký hợp đồng XK gạo với giá thấp.
Trước tình hình đó, các DN XK gạo đang đặt kỳ vọng nhiều hơn vào quý 2. Ông Phâm Thái Bình, TGĐ Cty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho rằng, sang quý 2, nhiều nước sẽ phải mua gạo trở lại như Trung Quốc, Philippines… Khi ấy, thị trường gạo sẽ sôi động hơn so với hiện nay.
Theo VFA, Việt Nam cũng đang chờ đến quý 2 để có thể ký được hợp đồng XK gạo sang Hàn Quốc theo hình thức hạn ngạch thuế quan (TRQ). Năm ngoái, cũng vào quý 2, Việt Nam đã ký được hợp đồng XK gạo sang Hàn Quốc theo hạn ngạch TRQ và đã cung cấp được hơn 113 ngàn tấn cho nước này.
Ngoài các thị trường chủ lực nói trên, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường khác. Một trong những thị trường nhiều triển vọng là Arab Saudi. Với dân số hơn 33 triệu người, Arab Saudi là một thị trường đáng kể và do điều kiện tự nhiên, nước này lại phụ thuộc hoàn toàn vào gạo NK. Năm ngoái, lượng gạo tiêu thụ ở Arab Saudi là 1,27 triệu tấn.
Trong đó, Ấn Độ là nước cung cấp gạo lớn nhất cho Arab Saudi khi chiếm 79%, tiếp đó là Mỹ (6%), Pakistan (6%), Thái Lan (5%), Việt Nam (2%). Năm ngoái, Việt Nam đã XK 14 ngàn tấn gạo thơm và 8 ngàn tấn gạo trắng sang Arab Saudi và đang tăng dần lượng gạo XK sang nước này.
Theo ước tính mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng lúa gạo sản xuất trong nước tại Trung Quốc niên vụ 2018/19 chỉ nhỉnh hơn 205 triệu tấn, giảm 7 triệu tấn so với dự báo vào tháng 2 vừa qua, do diện tích gieo trồng giảm. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2012. Sản lượng gạo Japonica chiếm khoảng 2/3 sản lượng cả nước, sản xuất 1 vụ/năm chủ yếu tại các khu vực phù sa Dương Tử Giang và vùng Đông Bắc Trung Quốc, trong khi gạo Indica được sản xuất 2 vụ/năm tại hầu hết các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Dự báo Trung Quốc sẽ tăng lượng gạo XK trong năm 2019 nhằm giải phóng tồn kho trong nước, hiện tại, con số tồn kho của nước này đang chiếm hơn một nửa lượng tồn kho gạo xay xát của cả thế giới. Trong khi đó, lượng gạo tiêu dùng trong nước cũng đang duy trì ở mức cao tương tự. Tồn kho cuối kỳ của Trung Quốc niên vụ 2018/19 dự báo trong khoảng 109,6 triệu tấn. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn