Tại cuộc họp giao ban xuất nhập khẩu nông sản 6 tháng đầu năm, ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước đạt hơn 13 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 24,5% tỷ trọng xuất khẩu của cả nước. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính xấp xỉ 7,4 tỷ USD, tăng 6,8%; thủy sản đạt 2,9 tỷ USD, tăng 11,5%; lâm sản đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, dù đang phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật, xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam trong năm 2012 ước tính đạt khoảng 26,5 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2011, trong đó nông sản ước đạt 15,3 tỷ USD, lâm sản ước đạt 4,7 tỷ USD và thủy sản 6,5 tỷ USD.
Dù nhóm hàng nông-lâm-thủy sản vẫn đạt giá trị xuất khẩu tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá bán lại liên tục giảm sâu. |
Dù vẫn đạt mức tăng trưởng nhẹ, nhưng thời gian qua, giá xuất khẩu mặt hàng nông-lâm-thủy sản liên tục giảm mạnh. Theo Bộ Công thương, do khó khăn của các nền kinh tế trên thế giới và việc hạn chế tiêu dùng, nên giá hàng hóa, đặc biệt là giá hàng nông sản giảm sút, đã làm cho mức giá xuất khẩu bình quân của 6 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng nông sản xuất khẩu do giá xuất khẩu giảm đã làm giảm 916 triệu USD kim ngạch xuất khẩu.
Cao su xuất khẩu giảm cực mạnh, nhất là trong quí 1, giảm tới 33%; đến quí 2, giá bắt đầu phục hồi nhưng vẫn giảm 28,5% và ở mức 3.016 USD/tấn. Tiếp đến, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 16,5%; gạo có mức giảm kéo dài, với giá xuất khẩu giảm 6,6% so với 2011, giảm 8,5% so với 2010. Các mặt hàng khác như hạt điều, cà phê, chè đều giảm nhẹ: nhân điều giảm 10,4%, cà phê giảm 4,4%...
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá xuất khẩu giảm đều thì vẫn có một tín hiệu đáng mừng là mặt hàng hồ tiêu giá xuất khẩu tăng mạnh ngay từ đầu quí 1, tăng tới 39,3%, tiếp tục tăng ở quí 2 và đứng ở mức 6.771 USD/tấn.
Về thị trường xuất khẩu, nông sản Việt Nam có nhiều thị trường ổn định như châu Âu, châu Phi, Trung Đông… Thế nhưng, các nước Mỹ, Eu, Nhật lại thường xuyên đưa ra những rào cản kỹ thuật, gây khó cho doanh nghiệp và nông dân. Riêng thị trường chây Á như: Trung Quốc và Đài Loan có “dễ tính” hơn nhưng lại rất bấp bênh, khó lượng trước được lợi và hại.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thấp, đảm bảo cho doanh nghiệp vay vốn thu mua tạm trữ nông sản với giá ưu đãi, nhất là vụ thu hoạch rộ.
Nguyên Anh
Theo datvietonline
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn