Hàng nông sản của Việt Nam đã được các thị trường khó tính chấp nhận
Trước hết, phải kể đến mặt hàng cà phê với kim ngạch XK năm 2016 đạt trên 3 tỷ USD, sản lượng khoảng 1,8 triệu tấn - tăng mạnh cả về lượng và giá so với năm 2015. CHLB Đức và Hoa Kỳ vẫn là 2 thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 15,4% và 13,2%; tiếp theo là Italia, Tây Ban Nha và Nhật Bản.
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Tập đoàn Intimex TP. Hồ Chí Minh (DN chiếm 30% lượng XK cà phê của Việt Nam) - cho biết, sở dĩ mặt hàng cà phê đạt kim ngạch cao là do năm nay, giá cà phê liên tục tăng từ tháng 4 đến cuối năm 2016. Thậm chí, giá thu mua đã lên đến 46.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Điều cũng là mặt hàng có kim ngạch XK cao trong năm qua với giá trị kim ngạch đạt trên dưới 2,7 tỷ USD (tăng khoảng 18% so với năm 2015), chiếm tới 50% tổng giá trị thương mại điều trên toàn cầu.
Ông Nguyễn Quốc Như - Giám đốc phụ trách mặt hàng nông sản XK, Công ty TNHH Tân Hòa (Tây Ninh) - chia sẻ: Giá thu mua điều thô nguyên liệu năm 2016 tăng khoảng 10% so với năm trước nhưng bù lại, giá XK cũng tăng, trung bình đạt hơn 8.000 USD/tấn nên lợi nhuận DN cũng khả quan hơn. Dự kiến, năm 2017, đơn hàng của các đối tác nhập khẩu sẽ tăng cao hơn. Do đó, DN sẽ đẩy mạnh thu mua nguyên liệu của nông dân các tỉnh để đáp ứng nhu cầu XK.
Với sự nỗ lực của các DN, người nông dân, những mặt hàng nông sản XK chủ lực như cà phê, điều và rau quả Việt Nam đã có được những kết quả ấn tượng trong năm 2016, tạo động lực cho sự bứt phá trong năm tới. |
Trong số các mặt hàng nông sản XK, rau quả là nhóm hàng có sự bứt phá mạnh nhất trong năm 2016 với giá trị kim ngạch khoảng 2,5 tỷ USD (tăng trên 30% so với năm 2015). Rau quả Việt Nam đã XK đi 40 nước trên thế giới. Đây là kết quả ấn tượng sau nhiều năm nỗ lực cải thiện chất lượng, hình ảnh của mặt hàng rau quả Việt Nam. Tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất trái cây theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) được đặc biệt quan tâm, nhằm đáp ứng yêu cầu XK. Nhiều mô hình sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP đã được thực hiện và chứng nhận trên chôm chôm, bưởi da xanh ở Bến Tre, bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, vú sữa Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, khóm (dứa) Tiền Giang, xoài Đồng Tháp...
Ông Trương Văn Rồi - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nhãn Châu Thành (Đồng Tháp) - vui mừng cho biết, Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ đã chính thức cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện XK vào thị trường Hoa Kỳ cho 17 hộ trồng nhãn với khoảng 30ha ở huyện Châu Thành. Như vậy, sau nhiều nỗ lực sản xuất theo những tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế, trái nhãn của nhà vườn ở Đồng Tháp đã tìm được hướng đi đúng. Hiện tại, trung bình mỗi tuần, HTX nhãn Châu Thành cung ứng 10 tấn nhãn cho các DN XK đi Hoa Kỳ.
Theo ông Nguyễn Thế Bảo - Chủ nhiệm HTX xoài Suối Lớn (Đồng Nai), dự kiến tháng 3/2017, những lô xoài đầu tiên của Đồng Nai từ HTX Suối Lớn sẽ vào thị trường Australia với sản lượng khoảng 18 tấn/ngày. Ngoài thị trường Australia, hàng năm, HTX xoài Suối Lớn đang XK khoảng 2.000 tấn xoài cấp đông vào thị trường Nhật Bản. Ông Bảo chia sẻ, sự kiên trì vận động các hộ dân thành lập HTX xoài Suối Lớn, tạo thành vùng chuyên canh hơn 150ha và động viên các xã viên sản xuất theo quy trình VietGAP đã giúp trái xoài vươn tới các thị trường XK lớn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn