Hôm nay (28/11), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Dự án Hỗ trợ hợp tác kinh tế khu vực Châu Á (Sreca) đã tổ chức hội thảo phổ biến các quy định của thị trường Trung Quốc về nhập khẩu hàng nông sản và trái cây tươi. Hội thảo có sự tham dự của nhiều đơn vị thuộc Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, cùng đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp, địa phương có các sản phẩm nông sản XK lớn sang thị trường Trung Quốc.
Tại hội thảo, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) đã phổ biến một số quy định đối với một số nhóm ngành hàng nông sản của Việt Nam khi XK sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là nhóm ngành hàng trái cây tươi.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp (Viện Nghiên cứu Quản lí kinh tế Trung ương) cho rằng: Từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã áp dụng chặt các quy định về nhập khẩu nông sản từ thị trường Việt Nam. Trong đó, các mặt hàng trái cây Việt Nam XK sang Trung Quốc phải tuân thủ nhiều quy định về truy xuất nguồn gốc, vùng trồng, cơ sở đóng gói, các yêu cầu về kiểm dịch, điều kiện ATTP, nhãn mác đóng gói...
Đông đảo các DN có mặt tại hội thảo đã được giới thiệu, phổ biến các quy định về yêu cầu trong XK nông sản sang thị trường Trung Quốc. |
Trên thực tế, đây đều là những quy định theo thông lệ quốc tế, Trung Quốc cũng đã ban hành từ rất lâu, tuy nhiên do duy trì chính sách NK biên mậu kéo dài, nên đến nay phía Trung Quốc mới chính thức áp dụng đối với Việt Nam. Vì vậy không còn cách nào khác, các DN của Việt Nam cần phải tuân thủ nghiêm, theo tinh thần thích ứng chứ không phải đối phó.
Theo ông Dương, việc đàm phán, mở cửa thị trường đối với các loại trái cây là rất khó khăn, vì vậy khi phát hiện vi phạm trong hoạt động XK, doanh nghiệp cần phải cởi mở chia sẻ thông tin để giải quyết, thay vì cố tình dấu giếm. Bởi điều này sẽ làm tổn hại đến hoạt động XK của cả cộng đồng DN, cả một mặt hàng của cả nước.
Bên cạnh đó, bản thân các DN, nông dân phải từng bước nhận thức rõ về những quy luật trong thương mại quốc tế về nông sản, bởi đây là điều bắt buộc trong bối cảnh nông sản chúng ta ngày càng phải vươn ra XK. Không những thế, các DN còn phải đặt cho mình những mục tiêu xa hơn, đó còn là tranh thủ cơ hội từ những thị trường trong khối các hiệp định như CPTPP, EVFTA mà Việt Nam là thành viên. Bởi đây là những thị trường rất nghiêm, yêu cầu rất cao về điều kiện chất lượng hàng hóa.
Ông Vũ Văn Cường, chuyên gia Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công thương. |
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Văn Cường (chuyên gia Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công thương) cũng ái ngại: Thực trạng nông dân, HTX, các DN xuất khẩu nông sản trong nước thờ ơ với những quy định trong thương mại quốc tế nói chung, trong đó có thị trường Trung Quốc là điều hết sức đáng buồn.
“Sau đợt giải cứu dưa hấu năm 2017, chúng tôi đã dẫn đoàn doanh nghiệp Trung Quốc vào Quảng Ngãi để kết nối SX và tiêu thụ dưa hấu. Đáng buồn là cả nông dân, DN đều khá thờ ơ, và không có bất kỳ một DN nào có đủ năng lực, khả năng để đáp ứng được các yêu cầu về tổ chức, liên kết SX cũng như đáp ứng các quy định trong XK sang thị trường Trung Quốc”, ông Cường kể.
Tại hội thảo, một số chuyên gia, đại diện các cơ quan nghiên cứu về thương mại của Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT cũng đã tham gia đóng góp về định hướng, chính sách, đánh giá những thuận lợi, khó khăn... trong thời gian tới nhằm tiếp tục khai thác tốt hơn nữa việc XK nông sản nói chung, trong đó có mặt hàng trái cây của nước ta.
Thanh long là mặt hàng trái cây chiếm gần 40% tổng kim ngạch XK rau quả của nước ta sang thị trường Trung Quốc. |
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp - nông thôn đánh giá: Những năm gần đây, bên cạnh việc kim ngạch XK nông sản sang thị trường Trung Quốc liên tục tăng cao, cơ cấu về kim ngạch của một số mặt hàng nông sản XK sang thị trường này cũng có sự dịch chuyển khá rõ.
Nếu như năm 2014, gạo là mặt hàng chiếm cơ cấu cao nhất về kim ngạch XK sang thị trường Trung Quốc với 18%, thì đến năm 2019, kim ngạch XK gạo dự báo chỉ còn chiếm khoảng 9%. Trong khi đó, một số mặt hàng đã vươn lên mạnh mẽ về kim ngạch XK, đặc biệt là mặt hàng rau quả.
Cụ thể theo dự báo năm 2019, rau quả sẽ chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch XK nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Trong các mặt hàng rau quả XK sang thị trường Trung Quốc (năm 2018), thanh long vẫn đang chiếm áp đảo, với khoảng 39% tổng kim ngạch, tiếp theo là nhãn, măng cụt, xoài...
Để khai thác tốt hơn nữa XK nông sản nói chung, rau quả nói riêng sang thị trường Trung Quốc, ông Trần Công Thắng cho rằng thời gian tới, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn nữa giữa các bộ ngành liên quan trọng việc xây dựng các báo cáo nghiên cứu thị trường đối với một số ngành hàng chủ lực XK vào thị trường Trung Quốc.
Cơ sở hạ tầng các cửa khẩu hiện chưa đáp ứng được yêu cầu XK nông sản ngày càng tăng mạnh sang thị trường Trung Quốc. |
Bên cạnh việc đàm phán, mở cửa thêm đối với một số sản phẩm trái cây để XK chính ngạch, trong thời gian tới, cần tổ chức xây dựng cơ sở giữ liệu về mã số vùng trồng. Đồng thời, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản XK nói chung, trong đó có XK sang thị trường Trung Quốc, song song với việc tăng dần tỉ lệ nông sản chế biến...
Cùng với đó, cần phải sớm nghiên cứu đề xuất đầu tư xây dựng các kho lạnh bảo quản sản phẩm tươi ở gần các cửa khẩu tại các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh (có thể kết hợp với các chợ đầu mối bên trong các tỉnh).
Mặt khác, cần tăng cường đầu tư hơn nữa về nguồn lực, cả về con người, trang thiết bị, ngân sách cho cán bộ kiểm dịch động thực vật tại các cửa khẩu nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng cao của hoạt động XNK.
Xây dựng và kiện toàn hệ thống cảnh báo dịch bệnh trực tuyến giữa 2 nước. Nghiên cứu thành lập hiệp hội xuất khẩu nông sản tại các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm điều phối, nâng cao hiệu quả công tác đàm phán, đầu tư và thức đẩy các hoạt động XK sang thị trường Trung Quốc...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn