Thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, nhất là các mặt hàng nông sản liên tục gặp khó khăn.
Cụ thể, thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ ngày 1/10 tới đây, Trung Quốc dự kiến áp dụng chứng thư đi kèm sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào thị trường này và cũng đưa ra biện pháp quản lý giám sát ghi nhãn thực phẩm xuất nhập khẩu đóng gói sẵn.
Riêng đối với Quảng Tây, kể từ ngày 1/4/2018, cơ quan kiểm dịch địa phương này cũng tiến hành giám sát chặt chẽ đối với những hoa quả nhập khẩu có bao bì không đủ thông tin về truy xuất nguồn gốc chất lượng hoa quả…
Theo bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc đều giao dịch bằng đồng USD. Do vậy, việc đồng NDT giảm giá mạnh so với đồng USD càng làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này lao đao.
Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn và hầu như “đóng băng” kể từ cuối năm 2018 do thiếu vắng nhu cầu và tác động từ chính sách nhập khẩu.
Đối với ngành thủy sản cũng trong tình trạng tương tự. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đồng NDT liên tục bị mất giá so với đồng USD là một trong những nguyên nhân khiến giá xuất khẩu tôm từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam.
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu tôm đứng thứ 4 trên thế giới, chiếm 6,9% tổng nhập khẩu tôm của toàn thế giới trong năm 2018. Nhu cầu nhập khẩu tôm để tiêu thụ trong nước và chế biến tái xuất khẩu của Trung Quốc vẫn ổn định. Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nhà cung cấp tôm chính cho Trung Quốc, chiếm 5,7% tổng sản lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc.
Xét về giá nhập khẩu, trên thị trường Trung Quốc, giá nhập khẩu tôm từ Ecuador, Ấn Độ và Indonesia luôn cạnh tranh nhất. Giá nhập khẩu trung bình từ Thái Lan cao nhất, giá tôm Việt Nam đứng thứ hai. Tôm Việt Nam phải cạnh tranh giá với các nhà cung cấp châu Á trên thị trường Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, ngoài những tác động khách quan khó thay đổi như vấn đề tỷ giá, trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc cần chú ý đến các yêu cầu mới về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như các quy định, tiêu chuẩn về bao bì, ghi nhãn hàng hóa và mã vạch vùng miền… để xuất khẩu bền vững cũng như nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Nghịch lý rau quả: Xuất khó, nhập dễ
Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả chỉ tăng trưởng khiêm tốn, trong khi nhập khẩu lại tăng mạnh.
Ngoài nhu cầu tăng lên của người tiêu dùng với rau quả nhập khẩu, còn có nguyên nhân không nhỏ đến từ việc rau quả Trung Quốc vẫn đang khá dễ dàng để vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch.
Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu rau quả cả nước đạt 2,04 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ 2018. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả trong 6 tháng đầu năm đạt 990,23 triệu USD, tăng tới 34,6%.
Xuất khẩu rau quả chỉ tăng trưởng khiêm tốn, chủ yếu do gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm, trong khi nhiều thị trường quan trọng như EU, Mỹ, Hàn Quốc… tăng trưởng khá, thì giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc lại giảm nhẹ.
Cụ thể, giá trị rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc là 1,46 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ 2018. Do Trung Quốc vẫn đang chiếm tới trên 70% giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam, nên dù chỉ giảm rất nhẹ, cũng đã ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng chung của xuất khẩu rau quả.
Về những khó khăn khi xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc, chỉ xin nhắc lại là do nước này đã thắt chặt nhập khẩu biên mậu, đồng thời tăng thêm những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật… đối với rau quả nhập khẩu từ Việt Nam. Do bị siết đường biên mậu, nhiều mặt hàng rau quả tươi của Việt Nam, lâu nay vẫn đi sang Trung Quốc qua con đường này, đã gặp phải khó khăn lớn. Đồng thời nhiều doanh nghiệp và nông dân chưa kịp thích ứng với những yêu cầu mới của hải quan Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác… Đó là những nguyên nhân quan trọng làm giảm nhẹ giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc.
Nhưng điều đáng nói là trong khi xuất khẩu rau quả Việt Nam bị siết chặt đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, thì một lượng không nhỏ rau quả Trung Quốc lại vẫn đang đi đường tiểu ngạch để sang Việt Nam. 6 tháng đầu năm nay, nếu như xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm nhẹ như đã nói ở trên, thì nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc lại tăng tới 54% và đạt khoảng 220 triệu USD.
Theo Bộ Công Thương, bên cạnh việc xuất khẩu sang Việt Nam qua đường chính ngạch, một lượng lớn rau quả Trung Quốc đang nhập khẩu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, tập trung ở các chợ đầu mối rồi đưa về các chợ lẻ ở các tỉnh. Do nhập khẩu tiểu ngạch, né tránh được thuế nhập khẩu, không phải mất các chi phí khác như kiểm dịch…, một lượng lớn rau quả Trung Quốc với giá rẻ đã và đang len lỏi và phủ sóng ngày càng rộng ở nhiều chợ vùng nông thôn nước ta.
Một điều đáng chú ý là nhiều chủng loại rau quả nhập khẩu mạnh từ Trung Quốc, đều đã được sản xuất đại trà ở Việt Nam từ lâu như bắp cải, cà rốt, xu hào, súp lơ, khoai tây… Điều này cho thấy, nhờ đi đường tiểu ngạch, không phải nộp thuế, một lượng không nhỏ rau quả của Trung Quốc khi vào Việt Nam, đã có lợi thế cạnh tranh lớn với các sản phẩm tương tự được sản xuất trong nước, nhờ giá rẻ.
Bên cạnh Trung Quốc, Thái Lan cũng là nguồn cung lớn đối với rau quả nhập khẩu vào Việt Nam. 6 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu rau quả từ Thái Lan đạt 408 triệu USD, tăng hơn 22% so với cùng kỳ 2018. Nhập khẩu từ Thái Lan chủ yếu là các loại trái cây như xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn… Và cũng đều là những loại trái cây mà Việt Nam có sản lượng lớn.
Trái cây Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu qua đường chính ngạch, với thuế nhập khẩu là 0%. Nhập khẩu trái cây từ Mỹ trong nửa đầu năm nay cũng tăng mạnh với giá trị đạt 116 triệu USD, tăng tới 70%. Thái Lan, Trung Quốc và Mỹ đang là 3 nguồn cung lớn nhất cho rau quả nhập khẩu vào Việt Nam./.